nguoinghe.vn
Ảnh minh họa

Ngoài ra, khu vực Hoàng Mai – Đông Hồi phát triển các ngành công nghiệp có tính chất động lực gắn liền với cảng biển Đông Hồi; khu vực VSIP phát triển công nghiệp kết hợp dịch vụ hỗn hợp, trọng tâm phát triển các loại hình công nghiệp nhẹ và các ngành công nghiệp phụ trợ khác.

Đây còn là trung tâm kinh tế giao thương quốc tế của vùng Bắc Trung bộ, cửa ngõ quan trọng của vùng Trung, Thượng Lào, Đông Bắc Thái Lan vào miền Trung và Việt Nam. Mặt khác, Khu kinh tế Đông Nam là cực tăng trưởng đối trọng, liên kết chặt chẽ và toàn diện với sự phát triển chung của thành phố Vinh, thị xã Hoàng Mai, thị xã Cửa Lò và vùng phụ cận; là khu vực phát triển hài hòa các mục tiêu kinh tế, văn hóa, môi trường và an ninh quốc phòng.

Khu kinh tế Đông Nam có tổng diện tích 20.776,47 ha, gồm có 03 khu vực. Khu vực 1 có quy mô diện tích lập quy hoạch 18.826,47 ha gồm diện tích tự nhiên của 10 xã của huyện Nghi Lộc ( Nghi Hợp - (nay là xã Khánh Hợp), Nghi Xá, Nghi Long, Nghi Đồng, Nghi Thuận, Nghi Hưng, Nghi Quang, Nghi Thiết, Nghi Tiến, Nghi Yên); 06 xã thuộc huyện Diễn Châu (Diễn Trung, Diễn Thịnh, Diễn An, Diễn Thọ, Diễn Lộc, Diễn Phú) và 02 phường thuộc thị xã Cửa Lò (phường Nghi Thủy, Nghi Tân).

Khu vực này được phát triển với 04 trung tâm chính, gồm: Khu vực cảng biển Cửa Lò gồm các xã: Nghi Thiết, Nghi Quang, huyện Nghi Lộc và các phường: Nghi Tân, Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò). Đây là khu vực đầu mối cho hàng hóa, sản phẩm của khu kinh tế và các tỉnh Bắc Lào, Đông Bắc Thái Lan. Đồng thời là khu vực tăng cường dịch vụ logistics, hậu cần cảng, tăng cường kết cấu hạ tầng kết nối nhiều loại hình vận tải, bố trí cảng cạn IDC và cảng cá, khu hậu cần nghề cá, bến neo đậu tránh bão...

Khu vực công nghiệp, đô thị, dịch vụ và thương mại phía Nam, gồm các xã: Nghi Hưng, Nghi Đồng, Nghi Thuận, Nghi Long, Nghi Xá, Nghi Hợp (nay là xã Khánh Hợp), Nghi Yên, Nghi Quang, huyện Nghi Lộc. Đây là khu vực đô thị giao thoa với thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò, là trung tâm công nghiệp Nam Cấm, tập trung các hoạt động thương mại, dịch vụ, hành chính - chính trị, văn hóa - xã hội.

Khu vực công nghiệp, đô thị, dịch vụ, thương mại phía Bắc, gồm các xã: Diễn Thịnh, Diễn An, Diễn Trung, Diễn Phú, Diễn Thọ và Diễn Lộc. Đây là khu vực đô thị giao thoa với đô thị Phủ Diễn, huyện Diễn Châu trong tương lai, là trung tâm công nghiệp Thọ Lộc; các hoạt động thương mại, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao gắn hai bên kênh Nhà Lê, du lịch sinh thái biển Diễn Châu, hồ Xuân Dương và các di tích văn hóa như Đền Cuông.

Khu vực đô thị, du lịch sinh thái biển, gồm các xã: Diễn Thịnh, Diễn Trung, Nghi Yên, Nghi Tiến và Nghi Thiết. Đây là khu vực phát triển đô thị gắn với du lịch sinh thái Biển: Cửa Hiền, Bãi Lữ, Tiền Phong... Khai thác cảnh quan rừng, núi dọc theo các bãi biển, tổ chức các khu du lịch, khu vui chơi giải trí, sân golf mang tầm vóc quốc tế. Gắn liền với khu đào tạo nghề bố trí tại xã Nghi Yên nhằm đào tạo nhân lực cho Khu kinh tế Đông Nam.

Khu vực 2 có quy mô diện tích lập quy hoạch 1.200 ha, gồm toàn bộ diện tích Khu công nghiệp Hoàng Mai và Khu công nghiệp Đông Hồi thuộc các xã: Quỳnh Lộc, Quỳnh Lập, Quỳnh Vinh và phường Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai. Trong đó, Khu công nghiệp Hoàng Mai I có diện tích 264,77 ha; Khu công nghiệp Hoàng Mai II có diện tích 335,23 ha; Khu công nghiệp Đông Hồi có diện tích 600ha.

Khu vực này tập trung phát triển công nghiệp, được chia thành 03 trung tâm, gồm: Khu công nghiệp Hoàng Mai I thuộc địa bàn phường Quỳnh Thiện và xã Quỳnh Lộc, thị xã Hoàng Mai; là khu vực phát triển trung tâm công nghiệp đa ngành theo trục quốc lộ 1A, gắn với phát triển vùng Nam Thanh – Bắc Nghệ. Khu công nghiệp Hoàng Mai II thuộc địa bàn xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai; là khu vực phát triển trung tâm công nghiệp đa ngành theo trục quốc lộ 48D, gắn với phát triển vùng Nam Thanh – Bắc Nghệ. Khu công nghiệp Đông Hồi thuộc địa bàn xã Quỳnh Lập và xã Quỳnh Lộc, thị xã Hoàng Mai; là khu vực phát triển trung tâm công nghiệp đa ngành, công nghiệp điện, công nghiệp cơ khí, công nghiệp xi măng, công nghiệp đóng tàu, công nghiệp chế biến thủy hải sản, lâm sản... gắn với cảng biển tổng hợp Đông Hồi.

Khu vực 3 có quy mô diện tích lập quy hoạch 750 ha, gồm toàn bộ diện tích Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An thuộc xã Hưng Đạo, Hưng Tây và thị trấn Hưng Nguyên, huyện Hưng Nguyên; xã Hưng Chính, thành phố Vinh. Trong tổng diện tích 750 ha của Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An, sẽ bố trí diện tích đất khu công nghiệp khoảng 367 ha, diện tích đất đô thị và dịch vụ khoảng 383 ha. Trong Khu công nghiệp VSIP trọng tâm phát triển các loại hình công nghiệp nhẹ và sạch: Chế biến thức ăn, sản xuất hàng tiêu dùng, điện tử, lắp ráp ô tô, vật liệu xây dựng và các ngành công nghiệp phụ trợ khác...

Ngoài ra, Quyết định phê duyệt đã chỉ rõ phạm vi, quy mô dân số và đất đai; định hướng phát triển không gian (phân vùng phát triển, định hướng phát triển không gian các khu vực); định hướng phát triển hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội; quy hoạch sử dụng đất; định hướng hạ tầng kỹ thuật (quy hoạch giao thông, quy hoạch san nền, thoát nước; định hướng cấp nước; định hướng cấp điện; định hướng thông tin liên lạc; định hướng thoát nước thải, quản lý chất thải rắn và nghĩa trang); đánh giá môi trường chiến lược; các dự án ưu tiên đầu tư, xây dựng đợt đầu...

Để thực hiện quyết định này, Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Nghệ An chủ trì, phối hợp Bộ Xây dựng công bố công khai Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam đến năm 2040; phê duyệt và ban hành Quy định quản lý theo Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam đến năm 2040.

Cùng với đó, UBND tỉnh Nghệ An xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện Quy hoạch; rà soát, điều chỉnh các quy hoạch có liên quan bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam đến năm 2040. Tổ chức triển khai lập các quy hoạch phân khu xây dựng, quy hoạch chi tiết xây dựng, thiết kế đô thị cho các khu chức năng trong Khu kinh tế làm cơ sở quản lý quy hoạch, triển khai các dự án đầu tư xây dựng, bảo đảm tuân thủ đúng quy định pháp luật.

Đồng thời, UBND tỉnh Nghệ An xây dựng, đề xuất cơ chế chính sách, nguồn lực tài chính, nhân lực, thực hiện các dự án hạ tầng kỹ thuật tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về tính chính xác của nội dung và các số liệu của Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam.

B.N (T/h)