1-1659151691.jpg
Quãng đường qua hai bản ở xã Hữu Khuông chưa được xây dựng

Những ai từng biết đến xã Hữu Khuông, huyện Tương Dương (Nghệ An), ấn tượng đầu tiên là sự xa xôi cách trở. Nếu đi con đường ngắn nhất từ trung tâm huyện phải đến Nhà máy thủy điện Bản Vẽ rồi đi đò dọc, hơn 2 giờ đồng hồ.

Nhu yếu phẩm, thậm chí là vật liệu xây dựng cũng từng đi đò dọc từ đập thủy điện đến trung tâm xã và các bản. Vì thế mà giá cả thường đắt đỏ hơn nơi khác. Người ta nhắc đến Hữu Khuông như là một “ốc” đảo”, một nơi khó khăn nhất về giao thông ở Nghệ An.

Vì thế khi đến xã Tri Lễ, huyện Quế Phong thấy một con đường bê tông đẹp dẫn vào Hữu Khuông khiến những ai từng đi về đất này không khỏi mừng thầm. Có đường giao thông, cuộc sống của cư dân nơi đây sẽ thay đổi. Mọi mặt đời sống sẽ phát triển.

Thế nhưng chạy xe một quãng chừng hơn 2km qua bản người Mông tên gọi Cha Lâng thì gặp một con dốc dài khoảng 4km. Con dốc lởm chởm đá lớn nhỏ. Nói như một cán bộ xã thì đoạn đường đầy những “ổ lợn, ổ gà”. Là người chuyên chạy xe máy đường núi nhưng phóng viên cũng phải vật lộn với chặng đường suốt gần nửa giờ đồng hồ để xuôi dốc. Chân tay và lưng đều mỏi nhừ. Một người đi xe máy khi xuôi theo con dốc này chỉ có thể nhích từng chút một trong khi con đường vô vàn những viên đá đủ cớ. Bằng nắm tay, bằng chiếc mũ cối, mũ bảo hiểm, nồi cơm điện rải khắp mặt đường. Quãng dốc thấp hơn thì đá nhỏ cỡ ngón tay, que đũa... Xe máy cứ bị trôi ngang khi qua những đoạn dốc như thế. Trong khi một bên đường là vực sâu hàng trăm mét, rất dễ xảy tai nạn.

2-1659151720.jpg

Anh Và Bá Dê, trưởng bản Cha Lâng người thường xuyên phải di chuyển về xã vì công việc tập thể chia sẻ: Tôi đi nhiều trên đường đèo dốc đã quen. Nhưng vì đường xấu nên cũng tốn xăng và xe máy thường xuyên phải sửa chữa. Vì thế nhiều tháng phụ cấp chỉ đủ mua xăng và sửa xe máy”.

Không chỉ những cán bộ bản như anh Và Bá Dê gặp khó khăn khi di chuyển qua quãng đường này. Anh Vi Văn Kỳ, cán bộ Đảng ủy xã Hữu Khuông chia sẻ bản thân hàng tuần vẫn phải di chuyển qua lại vài lần trên quãng đường này và mỗi lần qua đoạn dốc cứ như một cuộc tra tấn. Nhưng vì nhiệm vụ nên phải chịu khó hoàn thành.

Hàng ngày, nhiều người vẫn phải chọn tuyến độc đạo này để di chuyển qua lại giữa Hữu Khuông và xã Tri Lễ (huyện Quế Phong) và một số xã khác của huyện Tương Dương như Nhôn Mai, Mai Sơn. Vì thế đây là tuyến đường rất quen trọng trên địa bàn.

3-1659151742.jpg
Một người phụ nữ chuyên cung cấp thực phẩm cho người dân xã Hữu Khuông trên con đường đèo dốc lởm chởm đá.

Thông tin từ UBND xã Hữu Khuông thì tuyến đường bê tông Hữu Khuông - Tri Lễ dài 8,5km được đưa vào sử dụng năm 2020. Quãng đường dài 4km nối hai bản Cha Lâng và Tủng Hốc dài 4km có độ dốc trên 20%. Nếu đổ bê tông sẽ vi phạm quy định về xây dựng. Độ dốc quá lớn sẽ gây nguy hiểm cho phương tiện giao thông nêu xây dựng đường bê tông. Đoạn đường này vì thế chỉ được đổ đá cấp phối. Tuy nhiên do tác động của những đợt mưa nên chỉ ít lâu sau lớp cấp phối bị bào mòn chỉ còn lại đá xây dựng, đá núi nên việc di chuyển thêm phần khó khăn.

4-1659151771.jpg

Về giải pháp khắc phục, ông Lô Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Hữu Khuông cho biết, huyện Tương Dương vẫn cho rải đá câp phối lại sau khi mặt đường bị mưa bào mòn nhưng giải pháp này không bền vững. Cần một biện pháp khác hiệu quả hơn. Hiện tại, chính quyền xã cũng chỉ mới đang có phương án là để người dân tự khắc phục bằng biện pháp thủ công như dọn đá, quãng nào có thể đổ bê tông được thì sẽ vận động người dân tự làm dựa trên nguồn xi măng được cấp từ nguồn xây dựng nông thôn mới.

Từ nhiều năm nay, do điều kiện địa lý cách trở sông núi đã rèn đúc cho người dân Hữu Khuông một ý chí vượt khó. Giải pháp dựa vào sức dân khắc phục khó khăn cũng là một cách để nơi đây đỡ vất vả hơn trong khi chờ giải pháp hữu hiệu hơn của các cấp chính quyền./.