Cạm bẫy nguy hiểm

Nhiều năm qua, đã không ít sinh viên vướng vào nợ xấu và không có khả năng chi trả. Một số may mắn được gia đình trả nợ để thoát khỏi cảnh nhắc lãi mỗi ngày, nhưng một số khác thì phải bỏ học để đi làm kiếm tiền trả nợ.

Bất chấp việc các lực lượng chức năng liên tục có các biện pháp trấn áp, truy quét... những ổ nhóm tín dụng đen vẫn có dấu hiệu hoạt động trái pháp luật trong thời gian gần đây. Theo Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), các đối tượng hoạt động tín dụng đen thường nhắm đến các nhóm người yếu thế trong xã hội, có trình độ am hiểu pháp luật hạn chế, ý thức cảnh giác chưa cao, như thanh thiếu niên, sinh viên…

346902181380071437366291186911691103797248n-16629719282191924938742-1662976006.jpg
Sinh viên là đối tượng ưu tiên của một cửa hàng cầm đồ

Trên thực tế, khách hàng của các ổ nhóm tín dụng đen chủ yếu là học sinh, sinh viên, người thu nhập thấp cần một khoản tiền khoảng vài triệu đồng trong thời gian ngắn mà không muốn thực hiện các thủ tục vay tiền tại ngân hàng. Khách hàng có thể không để ý, hoặc bỏ qua các thông tin quy định ràng buộc về lãi suất, phí, tiền phạt... dẫn đến mức lãi suất phải trả cao hơn nhiều lần lãi suất của ngân hàng, cũng như việc vay của ứng dụng sau trả lãi cho ứng dụng trước.

Đối với các sinh viên mới ra thành phố lớn, vừa thoát khỏi sự bao bọc của gia đình, lần đầu được bố mẹ cho tiền hàng tháng để tự chi tiêu, có thể không làm chủ được bản thân, sa vào các cuộc ăn chơi, dẫn đến tiêu hết tiền sinh hoạt hoặc tiền học phí mà gia đình chu cấp. Khi đó, nhiều em vì sợ hãi không dám nói với bố mẹ nên đã tìm đến những nơi cho vay nặng lãi để vay tiền bù lại số tiền đã tiêu, rồi dự định sau này làm thêm để kiếm tiền trả. Nếu các em không trả nợ đúng hạn sẽ bị các đối tượng gọi điện, hoặc gặp trực tiếp quấy rối, đe dọa.

N.H.V. là sinh viên năm 4 của một trường đại học ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết đã vay của một cửa hàng tài chính ở gần trường với lãi suất 5.000 đồng/triệu/ngày. Khi đến vay em phải đưa thẻ sinh viên, mã sinh viên, mật khẩu cổng thông tin để xác thực em là sinh viên của trường.

Với lãi suất 5.000 đồng/triệu/ngày, tương đương với 15%/tháng và 180%/năm, thì lãi suất này gấp khoảng 20 lần lãi suất ngân hàng hiện nay. Đây là mức lãi suất rất cao và vi phạm nghiêm trọng quy định về lãi suất trong hợp đồng vay. Trong khi đó, chiếu theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam xét về lãi suất cho vay, các cá nhân (tổ chức) cho vay vốn với mức lãi suất kể trên đều vi phạm Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015, trong đó quy định lãi suất không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Tất cả những trường hợp lãi suất cao hơn mức này đều vi phạm pháp luật.

Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: Cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định của Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng, có thể bị phạt tiền cao nhất đến 1 tỷ đồng, phạt tù cao nhất đến 5 năm.

Nhiều giải pháp giúp sinh viên tránh khỏi tín dụng đen

Theo TS. Dương Thị Thanh Mai (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu pháp lý, Bộ Tư pháp), để giải quyết nạn tín dụng đen, các cơ quan chức năng, địa phương cần tăng cường các biện pháp phòng ngừa, tuyên truyền cho người dân tránh và tố giác tín dụng đen, làm tốt công tác tiếp nhận và giải quyết tin báo tố giác, xử lý triệt để các đường dây cho vay nóng, vay nặng lãi trái quy định.

Việc đẩy lùi tín dụng đen cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương. Trong đó, lực lượng công an đẩy nhanh tiến độ kết nối thông tin giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các ngành, lĩnh vực, làm cơ sở để tổ chức tín dụng có đầy đủ thông tin, rút ngắn được quy trình thẩm định, giải ngân cho vay. Các tổ chức tín dụng nghiên cứu các hình thức vay thích hợp phục vụ các đối tượng là người nghèo, người lao động, học sinh, sinh viên với phương thức linh hoạt, ứng dụng các phần mềm kiểm soát thị trường cho vay, đề cao tiêu chí hỗ trợ hơn lợi nhuận.

Bên cạnh đó, phải hoàn thiện các quy định của pháp luật. Đến nay, nhiều quy định pháp luật về tín dụng đen đã được ban hành: Luật Đầu tư sửa đổi năm 2021 đã cấm hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Bên cạnh đó là Nghị quyết 01/2021 của Hội đồng Thẩm phán, hướng dẫn áp dụng Điều 201 của Bộ luật Hình sự; Nghị định 144/2021 của Chính phủ đều có những quy định rất cụ thể.

Đặc biệt, mỗi người dân nâng cao cảnh giác, tự mình điều chỉnh kế hoạch tài chính thích hợp, tránh mắc bẫy của tín dụng đen. Người dân cần tự bảo vệ mình, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, cũng như ý thức cảnh giác với các phương thức thủ đoạn của các đối tượng hoạt động tín dụng đen.

Mỗi sinh viên phải chủ động học hỏi và rèn luyện kỹ năng sống để không bị rơi vào bẫy tín dụng đen. Trong trường hợp không may vướng vào thì tuyệt đối không giấu giếm vì càng để lâu, sự việc càng phức tạp. Thậm chí, nếu tình hình xấu phải chủ động đến cơ quan công an để trình báo.

Đồng thời, các cơ quan chức năng, nhà trường cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, song song với các công cụ pháp luật, giúp lành mạnh hóa hoạt động cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, mà sinh viên là những đối tượng khách hàng rất dễ bị dụ dỗ và sa ngã.

Để ngăn chặn tình trạng trên, thực hiện Chỉ thị 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã hướng dẫn Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an củng cố các câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm xung kích, tình nguyện tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật và đấu tranh phòng chống tội phạm; xây dựng kênh thông tin tổng hợp, tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh thiếu niên tại địa phương; phối hợp với lực lượng công an, biên phòng, hải quan trong việc cung cấp thông tin tố giác để kịp thời ngăn chặn các hoạt động tín dụng đen; xây dựng, duy trì đội thanh niên xung kích, đội thanh niên tự quản giữ gìn trật tự an toàn xã hội…

Đồng thời phối hợp các bộ, ngành, tổ chức các chương trình hỗ trợ đoàn viên, thanh niên, thực hiện hiệu quả các đề án, chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm đối với thanh niên, duy trì, phát triển các mô hình dạy nghề tại chỗ, chuyển giao tiến bộ khoa học; tuyên truyền các chương trình tín dụng cho vay hộ mới thoát nghèo, hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế.

Hiện các cấp cán bộ Đoàn tập trung hướng dẫn học sinh, sinh viên vay vốn tín dụng học tập từ Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên của Ngân hàng Chính sách xã hội với hơn 323.200 học sinh, sinh viên được vay vốn tín dụng với tổng dư nợ trên 5.590 tỷ đồng.

Hiện nay, tại một số trường đại học, cao đẳng cũng có chương trình hỗ trợ sinh viên vay vốn chỉ với lãi suất 0,5-0,9%/ tháng (tương đương 6,9%/năm).

Trước vấn nạn tín dụng đen ảnh hưởng tới sinh viên, các phòng, ban quản lý sinh viên, phòng truyền thông của mỗi nhà trường cũng cần tích cực tuyên truyền để nâng cao hiểu biết cho sinh viên, đặc biệt là sinh viên khóa mới./.