nguoinghe.vn
Trụ sở TAND tỉnh Nghệ An. (Ảnh trong bài: Trung Thứ)

Ngày 3/5/2024, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Thúy Quỳnh (SN 1993; ngụ khối 14, phường Bến Thủy, TP Vinh) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo khoản 4 Điều 174 BLHS. Đây là phiên tòa được mở lại sau khi HĐXX ra quyết định tạm ngưng vì phát sinh một số tình tiết mới cần được làm rõ.

Những người tiến hành tố tụng gồm Thẩm phán Nguyễn Thị Thanh Nga (chủ toạ), Thẩm phán Trần Thị Mỹ Hải, các thẩm phán dự khuyết; Hội thẩm nhân dân gồm ông Hồ Bá Võ, ông Nguyễn Hồ Cảnh, ông Võ Duy Bảo cùng một số hội thẩm nhân dân dự khuyết; thư ký phiên toà là bà Phạm Thị Ngọc Quyên; đại diện VKS là Kiểm sát viên Lương Đình Nam.

Theo hồ sơ vụ án, do không có tiền tiêu xài và trả nợ, nên từ tháng 11/2021 - 4/2022, Quỳnh đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức lừa góp tiền vốn mua đất để bán kiếm lời. Sau khi nhận tiền góp vốn mua đất của các bị hại, Quỳnh không mua đất mà dùng để tiêu xài cá nhân và trả nợ, trả tiền quay vòng cho những người góp vốn mua bán đất với mình trước đó.

Với thủ đoạn trên, Quỳnh đã lừa đảo và chiếm đoạt hơn 182,7 tỉ đồng của 22 nạn nhân tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Hà Nội, TP HCM, Đắk Lắk, Bắc Ninh và Hưng Yên. Trong đó, chiếm đoạt của chị Trần Thị Loan hơn 37 tỉ đồng, chị Nguyễn Ngọc Khánh Linh hơn 20 tỉ; chị Nguyễn Thị Thủy và chị Trịnh Hoàng Thúy 8 tỉ đồng…

Theo VKS, hành vi của Quỳnh là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, đã phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm a khoản 4 Điều 174 BLHS.

Tại phiên tòa, một số luật sư (LS) tham gia tố tụng với tư cách là đại diện theo ủy quyền; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại; cho rằng hồ sơ vụ án dù đã được điều tra bổ sung nhưng vẫn còn một số tình tiết cần làm rõ hơn.

Theo LS Lê Hiếu (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại Trịnh Hoàng Thúy), hồ sơ vụ án cho thấy, có rất nhiều giấy vay mượn tiền, giấy giao nhận tiền cần được xác định thời gian các cá nhân viết, ký. Vấn đề này, ngày 4/1/2024, Cơ quan CSĐT có Văn bản 62 gửi Phòng Kỹ thuật hình sự (Công an tỉnh Nghệ An) với nội dung: “Đơn vị đang điều tra vụ án Nguyễn Thúy Quỳnh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, quá trình điều tra thu giữ được nhiều giấy nhận tiền, giấy vay tiền viết tay. Căn cứ yêu cầu điều tra, làm rõ nội dung sự việc, Cơ quan CSĐT đề nghị Phòng Kỹ thuật hình sự cho biết “Có thể tiến hành giám định tuổi mực nhằm xác định thời gian lập ra các giấy tờ hay không?” (bút lục 4792)”.

Ngày 5/1/2024, Phòng Kỹ thuật hình sự có Văn bản 15 gửi Cơ quan CSĐT Công an tỉnh cho biết Phòng Kỹ thuật hình sự chưa có phương tiện, trang thiết bị để giám định tuổi mực nhằm xác định thời gian lập ra các giấy tờ (bút lục 4791).

Tình tiết này dừng lại ở đó, cho đến khi mở phiên toà, vẫn chưa thể xác định được tài liệu nào lập trước, tài liệu nào lập sau, có hợp pháp không hay là giả cách. “Tôi cho rằng nếu muốn Cơ quan CSĐT có thể gửi ra Trung tâm giám định pháp y - Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) để làm sáng tỏ, xác định rõ giá trị pháp lý của từng tài liệu, giấy tờ”, LS Hiếu nói.

Cũng theo LS Hiếu, trong vụ án, một số bị hại đã được bị cáo trả lại tiền, nhưng số tiền trả lại lớn hơn nhiều so với số tiền bị cáo đã nhận, có thể hiểu là số tiền “khắc phục hậu quả” nhiều hơn so với số tiền bị chiếm đoạt. Trong khi đó, một số bị hại khác, như bị hại Trịnh Hoàng Thúy và Nguyễn Thị Thủy phải đi vay mượn tiền của những người thân quen để đưa cho bị cáo, vì hành vi lừa đảo của bị cáo mà gia đình của 2 bị hại đã lâm vào cảnh túng quẫn, khó khăn nhưng lại chưa nhận được đủ tiền khắc phục hậu quả. Do đó, LS đề nghị HĐXX thu hồi số tiền một số bị hại đã “nhận thừa” từ bị cáo Quỳnh rồi phân bổ lại một cách đúng pháp luật.

Còn LS Nguyễn Gia Mạnh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Nguyễn Thị Thủy, nêu ý kiến: Tại biên bản hỏi cung bị can ngày 21/1/2024 (bút lục 4765), Quỳnh đã khai nhận khoảng tháng 9 hoặc tháng 10/2021, Quỳnh bị 2 đối tượng tên Tuấn và Đạt lừa khoảng 100 tỉ đồng. Vì vậy, Quỳnh phải vay tiền của nhiều người ngoài xã hội với mức lãi suất từ 2.000 đồng đến 3.000 đồng/triệu/ngày để trả nợ. Sau đó, Quỳnh lừa tiền của các bị hại để trả cho những người ngoài xã hội này, khoản tiền này lên đến hơn 88 tỉ đồng. Thế nhưng, Quỳnh lại “không nhớ đã vay mượn tiền của ai, chính xác là bao nhiêu tiền…”.

“Từ thông tin trên có thể thấy, việc “những người ngoài xã hội” cho bị cáo Quỳnh vay với mức lãi suất lên đến 3.000 đồng/triệu/ngày đã cấu thành tội “cho vay lãi nặng”. Vì vậy, cần xác định được những “người ngoài xã hội” kia có thực sự tồn tại hay không hay do bị cáo khai không đúng sự thật. Còn nếu những người đó là có thật thì cần xác minh rõ, tránh xảy ra trường hợp tội phạm bị bỏ lọt”, LS Mạnh nói.

Tại phiên tòa, một số LS, đại diện theo ủy quyền của một số bị hại cũng đề nghị HĐXX làm rõ tình tiết khác liên quan đến dấu hiệu mua bán ngoại tệ trái pháp luật, có dấu hiệu tài sản bị thất thoát…

Kết thúc phần hỏi và phần tranh luận, HĐXX hiện đang nghị án kéo dài dự kiến đến ngày 9/5/2024.