Chia sẻ với PV Báo Công Thương, các doanh nghiệp đầu mối lớn ở Nghệ An như Công ty Xăng dầu Nghệ An, Công ty CP. Vận tải và Dịch vụ Petrolimex Nghệ Tĩnh, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức…cho biết đã tăng cường ký các hợp đồng nhập khẩu xăng dầu để cung ứng cho thị trường.

Theo Sở Nghệ An Công Thương, với nhu cầu bình quân sử dụng trong quý I/2022 khoảng 57.364 triệu m3 xăng dầu các loại. Trong đó 55% thị phần chủ yếu nguồn cung từ Công ty Xăng dầu Nghệ An, 30% từ Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức và 15% còn lại là các thương nhân khác.

44edfdadc9bcf5190e4025d835a83f7e-1647655684.jpg
Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xây dựng kế hoạch chi tiết, sát với thực tế để cung ứng xăng dầu.h xăng dầu trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xây dựng kế hoạch chi tiết, sát với thực tế để cung ứng xăng dầ

Thực tế hiện nay nguồn cung ứng xăng dầu của hệ thống phân phối xăng dầu trên địa bàn tỉnh Nghệ An chủ yếu qua Tập đoàn xăng dầu Việt Nam, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức và chủ yếu lấy qua các kho Bến Thủy; Nghi Hương; Nghi Sơn. Nguồn hàng của Tập đoàn xăng dầu Việt Nam lấy chủ yếu qua Nhà máy Dung Quất và Nghi Sơn, kho Vân Phong và di chuyển nội bộ từ kho B12.

Sở Công Thương Nghệ An cho rằng, do giá dầu trên thế giới liên tục tăng từ tháng 12 cho đến nay. Do giá dầu tăng lên nên Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đang sản xuất cầm chừng, các đầu mối không được cung cấp đầy đủ nên không có nguồn bán ra trên thị trường, khả năng cung ứng trong thời gian tới gặp khá nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, đến thời điểm này tuy áp lực vì sự khan hàng hóa và nhu cầu tăng đột biến nhưng hệ thống phân phối xăng dầu trên địa bàn tỉnh đã cố gắng đáp ứng đủ lượng tiêu thụ cho dân để không có cửa hàng hay đại lý nào phản ánh thiếu hàng.

Theo ông Võ Anh Tuấn – Phó Giám đốc Xăng dầu Nghệ An, từ đầu năm 2022 đến nay không có cửa hàng xăng dầu của khách hàng công ty phải đóng cửa do thiếu nguồn. Trong thời gian tới, công ty vẫn sẽ đảm bảo đầy đủ, kịp thời nguồn nguồn hàng xăng dầu cho thị trường như bán lẻ tại các cửa hàng xăng dầu trực thuộc, khách hàng công nghiệp và hệ thống phân phối.

"Công ty vẫn được Tập đoàn đảm bảo nguồn cung từ các nhà máy lọc dầu trong như nước như Nghi Sơn, Dung Quất, kho Vân Phong và di chuyển nội bộ từ kho B12. Cho nên hiện tại nguồn đang đảm bảo cho nhu cầu tất cả các khách hàng của mình", ông Võ Anh Tuấn – Phó Giám đốc Xăng dầu Nghệ An cho hay.

38b100605c1fc89470185482f8027caa-1647655716.jpg
Các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Nghệ An sẽ bị xử lý nghiêm nếu ngừng bán không có lý do chính đáng

Là thương nhân phân phối xăng dầu trên địa bàn Nghệ An và Hà Tĩnh, ông Nguyễn Tất Minh - Giám đốc Công ty Cổ phần kinh doanh tổng hợp Đô Lương cho hay, trung bình mỗi tháng cung ứng 2.000m3 xăng dầu, Công ty sẽ căn cứ vào sản lượng mua bình quân theo quý của khách hàng để đáp ứng kịp thời đầy đủ không để khách hàng hết hàng. "Chúng tôi thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn để thường xuyên cập nhật tình hình sản xuất. Bên cạnh đó, chúng tôi chủ động tìm đến các đối tác nhập khẩu truyền thống để kịp thời bù đắp những thiếu hụt khi nguồn cung trong nước gặp khó khăn. Chúng tôi luôn có nguồn cung dự trữ xăng dầu phân phối theo quy định của Nhà nước, đảm bảo nguồn cung cho khách hàng đúng như cam kết", vị này chia sẻ.

Lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu nói rằng, nguồn cung cho hệ thống luôn được doanh nghiệp đảm bảo. Tuy nhiên, cái khó nhất nhất hiện nay là phải “gồng” thêm phần gia tăng nhập khẩu để đảm bảo cung ứng cho thị trường trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang mắc kẹt vì thiếu nguồn. Bên cạnh đó, việc giá xăng dầu thế giới liên tục tăng khiến doanh nghiệp cũng gặp khó vì tình cảnh “càng bán càng lỗ” kéo dài. Cũng theo vị này dù đã được điều chỉnh giá bán ngày 21/2 gần đây nhất nhưng nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu vẫn đang bị lỗ.

Vừa qua, Sở Công Thương Nghệ An cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cam kết chấp hành nghiêm các quy định về duy trì cung ứng xăng dầu trong hệ thống và tại các cửa hàng bán lẻ, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết; cam kết bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp trong mọi tình huống. Không găm hàng, đầu cơ tích trữ, đưa tin thất thiệt nhằm trục lợi, không giảm thời gian bán hàng. Không tự ý ngưng bán hàng khi chưa được Sở Công Thương chấp thuận.

“Bên cạnh công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, Sở cũng yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh chủ động xây dựng phương án đảm bảo và công khai nguồn cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước trên địa bàn trong thời gian tới; duy trì hoạt động tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu, cung ứng kịp thời, đầy đủ xăng dầu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trên địa bàn”, ông Phạm Văn Hóa, Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An khẳng định./.