Lời tòa soạn: Khoảng tối bị coi là "luật bất thành văn" trong hoạt động đăng kiểm lộ dần sau những tiêu cực, sai phạm ở các trung tâm đăng kiểm bị phơi bày. Thực trạng này cần những giải pháp mạnh tay để "làm sạch chính mình", chuẩn hóa con người, thiết bị và tường minh trong xã hội hóa.

nguoinghe.vn
Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Hà Nội 33.01S (Hà Nội) bị đóng cửa phục vụ công tác điều tra. Ảnh: Ngô Huyền

Hành vi nhận hối lộ ở các trung tâm đăng kiểm

Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, công an nhiều địa phương liên tiếp khởi tố các vụ án, bắt tạm giam hàng chục lãnh đạo, nhân viên trung tâm đăng kiểm để điều tra sai phạm trong hoạt động ở lĩnh vực này.

Theo Cơ quan CSĐT, tính đến ngày 12/1, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh khám xét nơi làm việc và chỗ ở của 84 bị can về các tội "đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ và giả mạo trong công tác".

Trong đó có 80 bị can là giám đốc, phó giám đốc, nhân viên các trung tâm đăng kiểm và các đối tượng môi giới.

Đáng lưu ý, không chỉ có lãnh đạo, cán bộ ở các trung tâm đăng kiểm sai phạm, cơ quan công an đã khởi tố, bắt tạm giam 3 cán bộ Phòng Kiểm định xe cơ giới thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam với tội danh “nhận hối lộ” gồm: Trần Anh Quân, quyền Trưởng phòng; Đặng Trần Khanh, Phó phòng và Phạm Đức Ngọc, chuyên viên.

Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Đặng Việt Hà cũng bị khởi tố, bắt tạm giam vào ngày 11/1 về tội "nhận hối lộ".

"Luật bất thành văn" để tiền trong xe khi đăng kiểm 

Câu chuyện chuẩn bị tiền để trong xe ô tô khi đi đăng kiểm gần như được truyền miệng, người này mách người kia mỗi khi đưa xe vào các trung tâm.

Thực tế nhiều chủ xe đã coi đây là việc làm bình thường, nên khi nghe người này, người kia mách, cũng tự giác làm theo. 

Có một thực tế, khi lái xe để tiền trong ô tô, đưa xe vào đăng kiểm, số tiền có thể 100.000-200.000 đồng hoặc hơn, nhưng sau đăng kiểm, số tiền này không còn.

Trao đổi với VietNamNet, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội chia sẻ, ông cảm thấy buồn trước việc hàng loạt trung tâm đăng kiểm phải đóng cửa, hàng chục cán bộ đăng kiểm bị khởi tố, bắt tạm giam.

Ông Liên cũng thừa nhận thực tế, bản thân là người trực tiếp đưa xe đi đăng kiểm hàng chục năm trời, cũng biết "luật bôi trơn” này nhưng bất lực vì có nói cũng không giải quyết được.

“Số tiền lấy từ các cá nhân, chủ phương tiện không quá nhiều nhưng tổng hợp lại thành tiền tỷ. Đấy cũng là tham nhũng dù chỉ là tham nhũng vặt”, ông Liên nhìn nhận.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng nói: “Tôi đảm bảo rằng gần như 100% xe vào đăng kiểm phải để vào cốp 200.000 đồng. Đấy là những xe mới, còn đối với những xe cải hoán, xe cũ kỹ thì giá cho “bôi trơn” là vô cùng”.

Thực tế có "bôi" mới "trơn" khi đăng kiểm

Theo ông Bùi Danh Liên, có một thực tế là cả hai bên chủ xe và đăng kiểm viên đều "tự nguyện", đồng thuận trong việc "bôi trơn". Chủ các phương tiện muốn không bị gây phiền hà nên “dúi tiền cho nhanh” mà không biết hoặc giả vờ không biết họ đang đồng lõa với tham nhũng.

Vì vậy, một loạt sai phạm xảy ra vừa qua, xét riêng với việc nhận tiền "bôi trơn" thì có lỗi từ cả hai phía là trạm đăng kiểm và chủ các phương tiện.

“Tình trạng bỏ tiền bôi trơn cho nhanh rất phổ biến. Vậy nên khi dẫn xe vào đăng kiểm, việc đầu tiên là chuẩn bị phong bì để trước kính hoặc trong xe”, ông Liên cho hay.

Từ thực tế ấy, ông Liên cho rằng, cũng có lý do từ việc chủ phương tiện đã không phản ứng mà chấp nhận tiêu cực để được việc. Hầu hết các chủ phương tiện đã tự đồng tình với "luật bất thành văn". Ngoài ra, còn lý do từ việc các cán bộ đăng kiểm vi phạm.

Do đó, theo ông Liên, chuyện tiêu cực, để tiền trong xe, chủ phương tiện cũng nên tự kiểm điểm lại mình: Tại sao tham gia, đồng tình với việc tiêu cực đó? Tại sao tự bỏ tiền ra bồi dưỡng dù không ai bắt buộc?

“Tiêu cực cũng xuất phát từ chủ phương tiện, chứ không nên đổ lỗi cho riêng cơ quan quản lý. Người dân không quan tâm đến việc đảm bảo kỹ thuật của phương tiện thật tốt nên mới tìm cách để được cho qua”, ông Liên bày tỏ.

Đồng tình với quan điểm trên, TS. Nguyễn Văn Thanh cho rằng, chủ phương tiện đã tiếp tay cho tham nhũng vặt.

“Đây là tật rất xấu, nhiều người biết mà không lên án, có người tặc lưỡi nói “có 200 nghìn thôi, cho người ta!". Theo tôi phải xóa bỏ quan niệm này”, TS. Nguyễn Văn Thanh nêu ý kiến.

nguoinghe.vn
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội. (Ảnh:N. Huyền)

Theo N. Huyền - vietnamnet.vn