nguoinghe.vn

Quang cảnh hội nghị

Tham dự hội nghị có các đồng chí: Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Bùi Thanh An - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Bùi Đình Long – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các Sở, ngành, UBND các huyện, thành, thị.

4 tháng đầu năm 2024 đã giải ngân 988,933 tỷ đồng

Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở KH&ĐT Phạm Hồng Quang cho biết: Kế hoạch năm 2023 giao đầu năm là 9.033,5 tỷ đồng, tính đến ngày 31/01/2024 đã giải ngân 8.586,774 tỷ đồng, đạt 95,05%, hoàn thành mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao (đạt trên 95%) và cao hơn nhiều so với cùng kỳ (cùng kỳ chỉ đạt 84,86% KH giao đầu năm và 78,37% tổng KH giao). Trong năm, có 4 nguồn giải ngân đạt khá và hoàn thành mục tiêu đề ra là nguồn ngân sách trung ương - vốn trong nước (95,81%); nguồn chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (99,37%); nguồn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (97,56%) và nguồn ngân sách địa phương (97,94%). Có 3 nguồn không hoàn thành mục tiêu là vốn nước ngoài (71,72%); chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (80,39%) và chương trình MTQG giảm nghèo bền vững (79,68%).

nguoinghe.vn

Giám đốc Sở KH&ĐT Phạm Hồng Quang báo cáo

Đối với các huyện, thành, thị: Có 15/21 đơn vị hoàn thành mục tiêu giải ngân trên 95%; có 6 đơn vị chưa hoàn thành mục tiêu trên 95%, gồm: Quế Phong (89,41%), Quỳ Châu (89,21%), Con Cuông (87,93%), Quỳ Hợp (86,79%); Kỳ Sơn (82,64%) và thấp nhất là Tương Dương (63,8%).

Đối với các Sở, ngành, chủ đầu tư: Có 35/46 đơn vị hoàn thành mục tiêu giải ngân trên 95%, trong đó một số đơn vị đạt 100%; có 11 đơn vị chưa hoàn thành mục tiêu trên 95%, trong đó có 2 đơn vị xấp xỉ đạt mục tiêu là Ban QLDA ĐTXD các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh (94,87%), Sở TN&MT (94,47%); còn 9 đơn vị đạt thấp là Sở NN&PTNT (87,43%), Sở Công Thương (84,82%), Sở VH&TT (83,27%), Sở LĐTB&XH (70,76%), Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (65,28%), Sở Du lịch (48,57%), Trường Cao đẳng Việt - Đức (23,67%), Trường Trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Nghệ An (10,1%) và thấp nhất là Sở Y tế (4,85%).

Đối với nguồn vốn đầu tư công tập trung theo kế hoạch năm 2024: Tính đến ngày 30/4/2024, đã giải ngân 988,933 tỷ đồng, đạt 21,37% KH, cao hơn so với cùng kỳ (15,3%) và cao hơn so với bình quân cả nước (ước đạt 17,46%). Trong đó, một số nguồn vốn đạt khá như: Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giải ngân 269,19 tỷ đồng, đạt 60,8%; nguồn thu xổ số kiến thiết giải ngân 11,444 tỷ đồng, đạt 40,87%; nguồn thu sử dụng đất giải ngân 93,576 tỷ đồng, đạt 36,7%. Kế hoạch các năm trước kéo dài sang năm 2024, đã giải ngân 57,612 tỷ đồng, đạt 10%. Có 24 đơn vị/ tổng 68 đơn vị chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân khá. Các dự án trọng điểm liên vùng và chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội tỉnh cơ bản đảm bảo theo tiến độ.

Tính đến ngày 30/4/2024, tổng 03 chương trình MTQG đã giải ngân 431,914 tỷ đồng, đạt 21,29% KH, trong đó KH năm 2022 và năm 2023 kéo dài, giải ngân 57,612 tỷ đồng, đạt 10,68%; KH năm 2024, giải ngân 374,302 tỷ đồng, đạt 25,13%.

nguoinghe.vn

Giám đốc Sở GTVT Hoàng Phú Hiền cho biết hiện có khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, một số quy định pháp luật có sự thay đổi...

nguoinghe.vn

Chỉ ra một số khó khăn, Chủ tịch UBND TP Vinh Trần Ngọc Tú cho biết, các thủ tục đầu tư phải thực hiện qua nhiều quy trình; hiện đã có hướng dẫn cụ thể về Luật Đấu thầu, Thông tư số 01/2024/TT-BKHĐT hướng dẫn việc cung cấp, đăng tải thông tin về lựa chọn nhà thầu và mẫu hồ sơ đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia... nhưng các địa phương vẫn còn lúng túng trong quá trình thực hiện...

Tại hội nghị, lãnh đạo các Sở, ngành, địa phương báo cáo tình hình giải ngân trên địa bàn; chỉ ra những khó khăn, vướng mắc đồng thời đề ra các giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long yêu cầu các Sở, ngành cần tăng cường làm việc tại các địa phương, tập trung hỗ trợ, giám sát “cầm tay chỉ việc” đối với các huyện đang thực hiện chương trình MTQG để giải quyết các khó khăn, tồn tại; Sở KH&ĐT hoàn chỉnh nhanh hồ sơ thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp cho cấp huyện theo Nghị quyết 111/2024/QH15 để trình HĐND tỉnh trong thời gian sớm nhất. Còn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thanh An thì cho rằng, các cơ quan, địa phương cần thực hiện công tác quản lý vốn tạm ứng, rà soát các dự án có vốn tạm ứng quá hạn để thu hồi; quyết toán nguồn vốn xây dựng cơ bản tồn đọng; quản lý và sử dụng tiền sử dụng đất đã đấu giá được một cách hiệu quả.

Việc thực hiện giải ngân nguồn vốn đầu tư công phải được tập trung, quan tâm chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc

nguoinghe.vn

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung phát biểu

Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Trung – Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, địa phương đã rất quan tâm, nắm sát, chắc, rõ tình hình. Năm 2023, giải ngân vốn đầu tư công đạt 95,05%/mục tiêu trên 95%, cao hơn so với cùng kỳ và cao hơn bình quân chung cả nước; 15/21 huyện, thành, thị, 35/46 đơn vị chủ đầu tư đã hoàn thành mục tiêu.

Năm 2024, việc triển khai kế hoạch đầu tư công khá thuận lợi, đã hoàn thành giao chi tiết 100% vốn cho các dự án; ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc; phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho từng đồng chí lãnh đạo tỉnh cũng như Giám đốc các Sở, ngành theo dõi từng dự án; Tổ công tác cấp phòng, cấp tỉnh được thành lập và đã hoạt động tích cực; 100% chủ đầu tư đã hoàn thành cam kết và có đăng ký kế hoạch giải ngân hàng tháng... Với sự chỉ đạo quyết liệt đó, kết quả giải ngân 4 tháng đầu năm đạt khá tích cực, đạt 21,37%, cao gấp 1,4 lần so với cùng kỳ và cao hơn bình quân chung cả nước, đặc biệt là nguồn chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đã giải ngân đạt 60,8%; có 24/68 đơn vị giải ngân trên 30%. Các dự án trọng điểm đường ven biển, bệnh viện Ung bướu và các dự án thuộc chương trình phục hồi cơ bản đảm bảo tiến độ.

Chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới, đồng thời nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của nguồn vốn đầu tư công, theo Chủ tịch UBND tỉnh, việc thực hiện giải ngân nguồn vốn đầu tư công là nhiệm vụ vô cùng cấp bách và phải được tập trung, quan tâm chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, trước hết là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, của các cấp, các ngành. Để thực hiện được mục tiêu đề ra trong năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các ngành, địa phương, chủ đầu tư phải bám sát kế hoạch và cam kết giải ngân đã đăng ký để tổ chức thực hiện; thường xuyên kiểm tra, nắm chắc, bám sát tình hình, đánh giá việc thực hiện, kịp thời báo cáo các vướng mắc và đề xuất điều chỉnh, hoàn thành mục tiêu đề ra. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành việc thực hiện nguồn vốn đầu tư công; chủ động trong việc chỉ đạo xử lý tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng; phân công, phân nhiệm các đồng chí phụ trách từng dự án, từng nhóm dự án.

Nâng cao chất lượng đấu thầu, đảm bảo công khai, minh bạch, không để xảy ra tiêu cực; lựa chọn nhà thầu đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện dự án có chất lượng, hiệu quả. Cần tập trung tăng cường năng lực và thường xuyên đôn đốc hoạt động của các Ban quản lý dự án, nâng cao nhận thức, ý thức, kiến thức, kinh nghiệm của đội ngũ liên quan đến thực hiện dự án đầu tư công; trường hợp cán bộ không đáp ứng yêu cầu thì chủ động thay thế “công việc không chuyển biến thì chuyển người”, không để ảnh hưởng đến công việc chung. Lập kế hoạch chi tiết cho từng dự án theo từng tháng, quý; bám sát, nắm chắc từng dự án, kịp thời tháo gỡ “nút thắt”.

Việc đẩy nhanh tiến độ phải gắn với đảm bảo chất lượng công trình, dự án, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, đối với nhóm các dự án không có vướng mắc (84 dự án/1.280 tỷ đồng), các đơn vị tranh thủ thời tiết thuận lợi, tập trung chỉ đạo quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn kịp thời các dự án này.

Đối với nhóm các dự án đang còn vướng mắc hoặc đang triển khai hồ sơ thủ tục (76 dự án/1.858 tỷ đồng): Các đơn vị chủ động xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các khó khăn, vướng mắc kịp thời; có phân công, giao trách nhiệm cụ thể, rõ ràng cho từng bộ phận, từng cá nhân, lấy hiệu quả xử lý công việc là tiêu chí đánh giá kết quả đạt được.

Đối với các dự án khởi công mới, cần chú trọng nâng cao chất lượng công tác đấu thầu (cả đấu thầu tư vấn và đấu thầu xây lắp) để lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án.

Đối với các dự án vướng mắc giải phóng mặt bằng (21 dự án ở địa bàn 15 huyện), đặc biệt là các dự án trọng điểm: giao UBND các huyện, nhất là huyện có nhiều dự án như Nghi Lộc, TX Thái Hòa, Diễn Châu, Đô Lương, Tân Kỳ, Anh Sơn, TX Cửa Lò, TX Hoàng Mai, TP Vinh, Quỳnh Lưu cần tập trung xử lý dứt điểm, không để kéo dài. Mục tiêu phấn đấu đến hết tháng 6 không còn đơn vị, dự án giải ngân 0 đồng. Đến tháng 9 tất cả các dự án phải hoàn thành hồ sơ thủ tục, giải quyết các khó khăn, vướng mắc để thi công trên hiện trường. Lưu ý, việc đẩy nhanh tiến độ phải gắn với đảm bảo chất lượng công trình, dự án, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở KH&ĐT chủ động rà soát, đôn đốc các ngành, các huyện triển khai thực hiện đúng cam kết đã ký, tham mưu hoạt động của các Tổ công tác bảo đảm thực chất và có hiệu quả. Từ tháng 6, rà soát để đề xuất điều chỉnh, điều chuyển vốn kịp thời. Các dự án giải ngân chậm, dự án chưa giải ngân đồng nào kiên quyết điều chuyển để tập trung vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt.

Giao các Sở quản lý xây dựng chuyên ngành, nhất là Sở GTVT, Sở Xây dựng, Sở NN&PTNT, Sở KH&ĐT, Sở Tài chính, Công an tỉnh tập trung ưu tiên, hỗ trợ, hướng dẫn tối đa cho các chủ đầu tư trong việc hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục, thẩm định các quy trình để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Vướng mắc ở đơn vị nào, chủ đầu tư báo cáo UBND tỉnh để xem xét, xử lý.

Sở TN&MT kịp thời hướng dẫn các huyện giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng; đồng thời xử lý các thủ tục liên quan đến mỏ đất, xác định giá đất, hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các địa phương để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Sở Xây dựng quan tâm biến động giá các loại nguyên vật liệu xây dựng, cập nhật thường xuyên và kiểm tra việc cung cấp vật liệu xây dựng phục vụ cho các dự án đầu tư công; cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng hàng tháng làm cơ sở cho các đơn vị triển khai thực hiện.

Đối với chương trình MTQG, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT, Sở LĐTB&XH, Ban Dân tộc nâng cao vai trò, trách nhiệm cơ quan quản lý chương trình, tập trung theo dõi, đôn đốc, kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Nghiên cứu, tham khảo để tham mưu việc thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp cho cấp huyện theo Nghị quyết 111/2024/QH15 của Quốc hội bảo đảm hiệu quả, đúng quy định...

Đối với các dự án thuộc chương trình phục hồi, các chủ đầu tư tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ lắp đặt thiết bị, quyết tâm hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2024.

Đối với các dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn nhưng hiện nay vẫn chưa phê duyệt quyết định đầu tư, các ngành, các huyện khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.