vo-chong-duong-nhue-egie-1637111344.jpeg

Vợ chồng Đường "nhuệ" bị đưa ra xét xử vì đã cưỡng đoạt số tiền gần 2,5 tỷ đồng tiền hỏa táng của các cơ sở dịch vụ tang lễ

Sáng nay (17-11), TAND tỉnh Thái Bình xử sơ thẩm vụ cưỡng đoạt tài sản đối với vợ chồng bị cáo Nguyễn Xuân Đường (Đường “nhuệ”, SN 1971, trú TP Thái Bình), Nguyễn Thị Dương (SN 1980) vì đã cưỡng đoạt của 25 cơ sở mai táng ở Thái Bình số tiền gần 2,5 tỷ đồng.

Cùng bị đưa ra xét xử với vợ chồng Đường “nhuệ” còn có 5 đàn em, gồm Ninh Đức Lợi (SN 1974), Quách Việt Cường (Cường “sơn la”, SN 1974), Phạm Văn Úy (SN 1989, cùng trú TP Thái Bình), Nguyễn Khắc Nin (SN 1979, trú huyện Kiến Xương), Bùi Mạnh Tiến (Tiến “trắng”, SN 1995, trú huyện Vũ Thư, là con nuôi Đường “nhuệ”.

Theo cáo trạng, cuối năm 2017, sau khi được Công ty TNHH dịch vụ thương mại Thành Phát mời cùng làm “đại lý” báo ca hỏa táng, Đường “nhuệ” đã nảy sinh ý định độc chiếm lĩnh vực này. Đường tự xưng là Chủ tịch Hiệp hội tang lễ Thái Bình, giao cho Ninh Đức Lợi phụ trách tiếp nhận thông tin các ca hỏa táng từ các cơ sở tang lễ, thu mỗi ca hỏa táng 500.000 đồng.

Để đánh bật Công ty Thành Phát khỏi lĩnh vực hỏa táng tại Thái Bình, Đường o ép, bắt các cơ sở tang lễ đưa sang Hải Phòng hỏa táng, không được đưa sang Đài hóa thân hoàn vũ Thanh Bình (xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Lộc, Nam Định).

Đường cho đàn em ép các cơ sở tang lễ tại Thái Bình phải nhóm họp, công bố Công ty Đường Dương của vợ chồng Đường “nhuệ” sẽ là đại lý độc quyền báo cao hỏa táng tại Thái Bình, các cơ sở tang lễ phải nộp 500.000 đồng/ ca hỏa táng cho nhóm Đường.

Tháng 11-2017, khi phát hiện Công ty Thành Phát nhận hợp đồng hỏa táng của 1 gia đình ở huyện Hưng Hà (Thái Bình) để đưa sang hỏa táng tại Nam Định, Đường dẫn theo đàn em tới văn phòng Công ty Thành Phát tại Thái Bình đánh đập nhân viên công ty này, ép phải giao lại hợp đồng hỏa táng cho nhóm Đường. Bị chèn ép, Công ty Thành Phát phải bỏ địa bàn Thái Bình.

Để đe dọa, ép các cơ sở tang lễ phải nộp tiền báo ca cho mình, Đường chỉ đạo đàn em thông báo cho 24 cơ sở tang lễ tại Thái Bình tới quán café nhóm họp. Tại quán café, Ninh Đức Lợi thông báo cho các cơ sở tang lễ Đường đã ký hợp đồng độc quyền với Đài hóa thân hoàn vũ Thanh Bình ở Nam Định, giờ Đường là Chủ tịch Hiệp hội tang lễ tại Thái Bình. Các cơ sở muốn hoạt động phải nộp tiền báo ca, mỗi ca 500.000 đồng. Tiền báo ca được nộp về cho Đường vào ngày mùng 5 và 20 âm lịch hàng tháng.

Nhóm Đường thông báo các cơ sở tang lễ chỉ được nhận hợp đồng tại khu vực mình được giao, nếu lấn sang địa bàn khác 1 lần sẽ bị cắt bớt địa bàn giao cho cơ sở khác, nếu vi phạm lần 2 sẽ bị dừng hoạt động. Thấy có chủ cơ sở tang lễ ý kiến về việc thu tiền, Đường chửi “mày muốn đấu đầu với bố mày chỉ có con đường chết thôi, thích thì bố mày đến tận nhà”. Thấy vậy, chủ cơ sở này không dám nói nữa.

Sau đó, nhóm Đường đưa ra các bản hợp đồng đã đánh máy sẵn, yêu cầu các cơ sở tang lễ ký vào. Thấy Đường và đám đàn em xăm trổ đe dọa, chửi bới, lo sợ nếu không gia nhập Hiệp hội tang lễ của Đường, không nộp tiền báo ca sẽ bị Đường chèn ép không cho làm ăn nên các cơ sở tang lễ phải miễn cưỡng ký hợp đồng. Một số chủ cơ sở tang lễ không tham gia cuộc họp nhưng lo sợ không chấp hành yêu cầu của Đường sẽ bị chèn ép ảnh hưởng việc làm ăn nên cũng chấp nhận nộp tiền báo ca cho Đường.

Để giữ thế độc tôn và thị uy buộc các cơ sở tang lễ phải tham gia Hiệp hội tang lễ, đóng tiền “luật” cho mình, Đường cho đàn em cấm cửa các cơ sở tang lễ tỉnh ngoài vào Thái Bình nhận hợp đồng hỏa táng. Một cơ sở tang lễ ở TP Hải Dương 2 nhận hợp đồng dịch vụ hỏa táng tại huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) đều bị nhóm Đường cản trở, lần thì chặn xe tang đánh, lần thì va quệt xe để ngăn cản, đe dọa không cho cơ sở này sang Thái Bình.

Cuối năm 2019, do nghi ngờ Lợi ăn gian số lượng báo ca nên Đường chuyển cho Quách Việt Cường (Cường “sơn la”) làm. Có một thời gian Đường giao cho em cùng mẹ khác cha là Lương Trung Thái phụ trách báo ca tạo công ăn việc làm cho em. Khi Thái chuẩn bị lấy vợ thì Thái nghỉ Đường lại để Cường “sơn la” lại đảm nhiệm.

Cáo trạng của VKSND tỉnh Thái Bình xác định từ tháng 12-2017 tới khi vợ chồng Đường bị bắt (tháng 4-2020) nhóm Đường “nhuệ” đã chiếm đoạt số tiền gần 2,5 tỷ đồng của 25 cơ sở dịch vụ tang lễ trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

VKSND tỉnh Thái Bình truy tố vợ chồng Đường “nhuệ” và 5 đàn em về tội cưỡng đoạt tài sản theo điều 170 Bộ luật Hình sự, trong đó, năm bị cáo Đường, Lợi, Uý, Nin, Tiến bị truy tố theo điểm a, khoản 4 (khung hình phạt từ 12-20 năm tù), Cường “sơn la” bị truy tố theo điểm a khoản 3 (7-15 năm tù), Dương bị truy tố theo điểm d, khoản 2 (3-10 năm tù)./.