Thứ nhất, bảo vệ Đảng về chính trị: Cương lĩnh, đường lối chính trị đúng đắn là một vấn đề “gốc”, nền tảng, cốt lõi, sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong sự tồn tại và phát triển của Đảng. Có Cương lĩnh, đường lối chính trị đúng đắn mới làm cho Nhân dân giác ngộ về mục tiêu đấu tranh, mới hiểu rõ tình hình cách mạng và mới ý thức rõ được những việc nên làm. Vì vậy, muốn thực hiện được điều đó, theo Hồ Chí Minh, Đảng phải nâng cao trình độ lí luận Mác - Lênin trong cán bộ, đảng viên.

Để bảo vệ chính trị nội bộ trong xây dựng Đảng, Hồ Chí Minh lưu ý: Cán bộ, đảng viên phải rèn luyện “tính đảng”. Người chỉ rõ: “Mỗi cán bộ, đảng viên cần phải có tính đảng mới làm được việc. Kém tính đảng, thì việc gì cũng không làm nên. Tính đảng là gì? Một là: Phải đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết; Hai là: Việc gì cũng phải điều tra rõ ràng, cẩn thận và phải làm đến nơi đến chốn; Phải hiểu rằng: Đảng có hiểu rõ tình hình thì đặt chính sách mới đúng. Mà muốn Đảng hiểu rõ thì đảng viên và cán bộ phải điều tra và báo cáo rõ ràng tình hình từng xã, từng huyện, từng tỉnh, từng khu. Nếu không biết rõ tình hình mà đặt chính sách thì kết quả là “nồi vuông úp vung tròn”, không ăn khớp gì hết. Ba là: Lí luận và thực hành phải luôn luôn đi đôi với nhau”. Hồ Chí Minh nhắc nhở cán bộ, đảng viên trong bảo vệ Đảng về chính trị phải tránh bệnh kém “tính đảng”, biểu hiện như: “Bệnh ba hoa, bệnh địa phương, bệnh ham địa vị, bệnh thiếu kỉ luật, bệnh cẩu thả (gặp sao hay vậy), bệnh xa quần chúng, bệnh chủ quan, bệnh hình thức, bệnh ích kỉ, bệnh hủ hóa, bệnh thiếu ngăn nắp, bệnh lười biếng. Mắc phải một bệnh trong mười hai bệnh đó tức là hỏng việc” . Đồng thời, theo Hồ Chí Minh, bảo vệ Đảng về chính trị cần phải kết hợp chặt chẽ với kinh nghiệm hoạt động thực tiễn hết sức phong phú, sâu sắc thì mới có đủ cơ sở, điều kiện để đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch nhằm bảo vệ Cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng.

87-1707789429.jpg
Ảnh tư liệu

Thứ hai, bảo vệ Đảng về tư tưởng: Hồ Chí Minh chú trọng tới việc chống chủ nghĩa giáo điều, xét lại, cơ hội, hạ thấp hoặc phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin. Bảo vệ Đảng về tư tưởng cũng đặt ra yêu cầu đấu tranh, phê phán và gột rửa những biểu hiện của tư tưởng “phi vô sản” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên; giáo dục đạo đức cách mạng, đấu tranh sự thoái hóa, biến chất của cán bộ, đảng viên. Bảo vệ Đảng về tư tưởng còn phải chống lại hoạt động phá hoại tư tưởng trong xã hội của các thế lực thù địch. Để bảo vệ Đảng về tư tưởng theo Hồ Chí Minh, phải giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng hàng đầu đối với Đảng. Đó là, luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin “làm cốt”, luôn trung thành và vận dụng phát triển sáng tạo chủ nghĩa đó vào thực tiễn cách mạng Việt Nam; giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ; thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; thường xuyên tự phê bình và phê bình; giữ gìn sự thống nhất, đoàn kết trong Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ; xây dựng chính quyền thực sự của dân, do dân, vì dân mang bản chất giai cấp công nhân, vừa có tính Nhân dân, tính dân tộc sâu sắc.

Trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề này. Người đã vạch trần những thủ đoạn, lời nói mị dân, xuyên tạc hình ảnh người cộng sản, hòng bôi nhọ Đảng. Trong điều kiện Đảng lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam, Hồ Chí Minh luôn lưu tâm đến hoạt động phá hoại tư tưởng của đế quốc Mỹ và bọn tay sai bán nước, kêu gọi toàn Đảng, toàn dân phải luôn cảnh giác, chống lại những hoạt động phá hoại của chúng.

Thứ ba, bảo vệ Đảng về tổ chức: Đó là chống lại bọn phản động cài cắm người của chúng vào nội bộ Đảng. Hơn nữa, Hồ Chí Minh còn chỉ rõ phải ngăn chặn những hoạt động của bọn phản động lợi dụng những khuyết điểm của Đảng để phá hoại Đảng. Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến việc tích cực, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn âm mưu, thủ đoạn phá hoại của kẻ thù, xử lí kịp thời và nghiêm minh những trường hợp đảng viên vi phạm kỉ luật Đảng. Giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về âm mưu, thủ đoạn phá hoại của kẻ thù, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, giáo dục về phẩm chất đạo đức cách mạng, sự kiên định lập trường tư tưởng của giai cấp công nhân. Để chủ động ngăn chặn sự phá hoại của kẻ thù, Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm đến việc giáo dục đạo đức cách mạng, sự kiên định lập trường của giai cấp công nhân cho cán bộ, đảng viên. Theo Hồ Chí Minh, bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng cần phải giữ vững các nguyên tắc tổ chức, duy trì kỉ luật nghiêm minh là một biện pháp rất quan trọng để bảo vệ Đảng. Người yêu cầu đảng viên phải tuyệt đối tuân theo mệnh lệnh của Đảng. Nếu kỉ luật Đảng lỏng lẻo thì những phần tử phản động sẽ có cơ hội chui vào Đảng để phá hoại. Đối với những kẻ xấu phá hoại Đảng đã bị phát hiện phải xử lí nghiêm minh. Song, phải xác định rõ từng đối tượng để xử lí đúng người, đúng tội. Hồ Chí Minh cũng đặc biệt coi trọng việc phòng gian bảo mật, coi giữ bí mật của Nhà nước là một bộ phận trong cuộc đấu tranh với địch. Người yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng phải giữ bí mật, đồng thời phê phán nghiêm khắc những cán bộ, đảng viên để lộ bí mật của Nhà nước. Trước âm mưu, thủ đoạn phá hoại Đảng, phá hoại cách mạng rất thâm độc, xảo quyệt của đế quốc Mỹ và bọn tay sai của chúng, Hồ Chí Minh luôn luôn chú trọng đến việc phòng gian bảo mật. Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý việc phải dựa vào Nhân dân, tổ chức và động viên Nhân dân tích cực tham gia bảo vệ Đảng. Hồ Chí Minh cho rằng: “Nhân dân ta có hàng chục triệu người, có hàng mấy chục triệu tai mắt, tay, chân. Nếu biết dựa vào Nhân dân, thì việc gì cũng xong” . Nếu biết dựa vào dân, tổ chức Nhân dân tiến hành bảo vệ Đảng thì chắc chắn Đảng sẽ được bảo vệ vững chắc.

Đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, vị thế, sức mạnh tổng hợp và uy tín trên trường quốc tế được nâng lên. Tuy nhiên, sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức: Bốn nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra vẫn còn tồn tại, có mặt gay gắt hơn; đã và đang xuất hiện nhiều vấn đề phức tạp, ảnh hưởng tới sự nghiệp đổi mới. Các thế lực thù địch tăng cường chống phá về chính trị, tư tưởng, văn hóa, dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo; tuyên truyền, kích động, thực hiện “diễn biến hòa bình”. Những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có xu hướng ngày càng nghiêm trọng hơn. Tình trạng vi phạm pháp luật, tội phạm có xu hướng gia tăng và xuất hiện nhiều loại tội phạm mới, đặc biệt là loại tội phạm có tổ chức, tội phạm sử dụng công nghệ cao; trật tự, an toàn xã hội vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp… Nhằm tăng cường, củng cố niềm tin vào tư tưởng Hồ Chí Minh, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cần có những giải pháp đồng bộ, nắm vững, vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới.

Một là, tăng cường công tác giáo dục tư tưởng, chính trị trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Đặc biệt, “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo Chỉ thị số 05-CT/W của Bộ Chính trị khóa XII, ngày 15/5/2016 một cách thiết thực, hiệu quả. Kết hợp với đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, gắn với công tác kiểm tra, đánh giá, phê bình, tự phê bình. Cơ quan lãnh đạo, quản lí của Đảng và Nhà nước phải thường xuyên nắm chắc tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân; quản lí chặt chẽ các phương tiện thông tin đại chúng, có những biện pháp kịp thời, thiết thực, hiệu quả để ngăn chặn những diễn biến xấu về tư tưởng, chính trị, phòng chống những biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hai là, phải chọn người và thay người cho đúng. Theo Hồ Chí Minh, mọi việc thành bại của cách mạng đều liên quan đến vấn đề cán bộ. Vì, cán bộ là cái gốc của mọi công việc “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Do vậy, Đảng phải lựa chọn, bố trí cán bộ. Lựa chọn, bố trí cán bộ được xem là một khâu quan trọng trong toàn bộ chính sách cán bộ đối với Đảng. Đồng thời, Hồ Chí Minh luôn quan tâm giáo dục nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, chống cho được những thói hư, tật xấu, sự thoái hoá, biến chất trong điều kiện Đảng cầm quyền. Người luôn day dứt, trăn trở, thậm chí lo lắng trước các căn bệnh của chủ nghĩa cá nhân, nhất là những bệnh tham ô, lãng phí, quan liêu, có nguy cơ đưa Đảng đến nguy cơ thoái hoá, biến chất, căn bệnh này theo Hồ Chí Minh là "giặc nội xâm", kẻ thù nguy hiểm. Hồ Chí Minh đã dự báo một nguy cơ đó là chủ nghĩa cá nhân không dừng ở một người, một cá nhân mà có thể lây lan biến chất tới cả một tập thể, một tổ chức. Để khắc phục những căn bệnh ấy, phải thường xuyên tiến hành tự phê bình và phê bình một cách chân thành, thẳng thắn; phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát; phải giữ gìn kỉ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước thật nghiêm minh. Đối với cán bộ, đảng viên, Người đòi hỏi phải ra sức học tập, tu dưỡng đạo đức để nâng cao trình độ, phẩm chất, làm tròn trách nhiệm là người lãnh đạo, để không biến “đầy tớ của Nhân dân” thành “quan Nhân dân”. Người chỉ rõ: "Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định ngày hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân" . Thực tế điều này đã xảy ra và trở thành tai hoạ của nhiều Đảng Cộng sản ở nhiều quốc gia. Ngay ở nước ta cũng đã có không ít trường hợp kể cả cá nhân và tập thể đã rơi vào tình trạng này.

Ba là, phải quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Đây được coi như một “quốc nạn”. Nhiều năm qua, Đảng ta đã chỉ đạo làm rất tích cực nhưng vẫn còn những hạn chế, vướng mắc ở ngay trong bộ máy công quyền. Vì vậy, phải làm rất kiên quyết, triệt để, công khai, minh bạch, không để những kẻ lợi dụng quyền lực làm giàu bất chính tồn tại trong bộ máy của Đảng, Nhà nước, có như vậy mới lấy được niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.