Sau một ngày công bố cáo trạng, ngày 20/4, TAND Hà Nội bắt đầu xét hỏi bị cáo Phạm Thanh Hải, 57 tuổi, cựu Chủ tịch Công ty CP thương mại đầu tư và phát triển công nghệ quốc tế (IDT). Ông Hải được biết đến là "tiến sĩ dạy làm giàu", bị VKS cáo buộc về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, khung hình phạt cao nhất là tù chung thân.

Tại phiên toà, ông Hải cho rằng cáo buộc chưa chính xác. Ông là "nhà khoa học làm kinh tế" nên có thể có sai sót, nhưng không bao giờ lừa đảo. Ông khẳng định thực hiện đúng nghĩa vụ với hàng nghìn nhà đầu tư khắp cả nước. "Thực tế tôi thu của họ 2.700 tỷ đồng nhưng đã chi trả tới hơn 2.900 tỷ đồng, tức tự bỏ thêm gần 300 tỷ đồng tiền túi ra trả", bị cáo phân trần.

Với cáo buộc IDT hoạt động không hiệu quả, tiến sĩ này phủ nhận, cho rằng công ty đã hoạt động rất "hiệu quả, tươi sáng" bất chấp khủng hoảng kinh tế toàn cầu. "Dù kết luận điều tra cho rằng không hiệu quả, nhưng bị cáo thấy hiệu quả", sau mỗi lời khai của ông Hải, một nhóm nhà đầu tư, được xác định là bị hại trong vụ án, liên tục vỗ tay.

Chủ toạ Mai Văn Quang nhiều lần nhắc nhở nhóm này cần tôn trọng nội quy phiên toà, "không phải là sân khấu".

tr-1682039456.png
Ông Phạm Thanh Hải tại toà. Ảnh: Danh Lam

Bị thẩm vấn quanh việc tự quảng bá "giỏi đầu tư, kinh doanh" để tạo niềm tin, thu hút người gửi tiền, ông Hải cho biết trong các hội thảo dạy làm giàu, chỉ giới thiệu là tiến sĩ vật lý, du học Liên Xô và muốn chia sẻ tư duy cách thức làm giàu. "Tôi chưa bao giờ nhận mình có tài, có thể các nhà đầu tư nói với nhau như vậy chứ bị cáo chưa bao giờ nhận mình giỏi", ông trình bày.

Bị cáo phủ nhận đã "kêu gọi vốn", khai chỉ chia sẻ kiến thức kinh doanh và kể về các dự án lớn đang đầu tư. "Họ thấy hay, bày tỏ nguyện vọng muốn tham gia góp vốn. Tôi nói nếu muốn thì góp, chứ không kêu gọi", bị cáo khai.

Trước lời khai này, HĐXX dẫn cáo trạng cho thấy 8 dự án ông Hải quảng bá "sinh lãi triệu đô" đều bị VKS kết luận không hiệu quả, có khả năng sinh lãi như tiến sĩ này hứa hẹn. "Vậy dựa vào đâu bị cáo trả lãi 40-50% cho người ta, bị cáo có kinh doanh sản xuất gì không?", chủ toạ chất vấn.

Ông Hải tiếp tục khẳng định dự án đều ở dạng start up có khả năng sinh lãi, "lấy danh dự đảm bảo dự án có tiềm năng rất lớn", đặc biệt là dự án "mạng xã hội dạy làm giàu". Tới khi bị bắt, năm 2015, theo ông, trang đã có tới hơn 700.000 thành viên, dự kiến 2016 sẽ có 2 triệu người và giá trị của trang hoclamgiau.vn sẽ có giá trị 2 tỷ USD và "chắc chắn sẽ có doanh nghiệp nước ngoài muốn mua lại".

Dự án "thú vị và hấp dẫn" khác là trồng cây macca, được thế giới mệnh danh "cây trồng tỷ đô". Song để một cây macca cho thu hoạch, bị cáo cho rằng cần tới 3-5 năm. "Nhưng đúng lúc cây sắp ra quả, sinh lời, tôi bất ngờ bị cơ quan điều tra bắt giữ, nhà đầu mất cơ hội thu lợi nhuận", bị cáo khai.

Đại diện công ty Maccadamia tại toà cho hay, ông Hải đầu tư tổng hơn 20 tỷ đồng để mua tổng cộng hơn 2 triệu cổ phần của công ty. Từ 2021, công ty bắt đầu có lãi, "năm 2021 hơn một tỷ đồng, năm 2022 cũng vậy", vị đại diện cho biết. Theo cáo trạng, 7 dự án còn lại cũng đều chưa có lãi, hoặc đang lỗ, chỉ hoạt động trên pháp lý.

Trước con số lợi nhuận khiêm tốn công ty này đưa ra, HĐXX hỏi ông Hải: "Vậy bị cáo lấy tiền đâu trả lãi 40-50% cho những nhà đầu tư ký hợp đồng ngắn hạn, 6 tháng, một năm?".

Ông Hải thừa nhận dựa vào nguồn tiền của các nhà đầu tư tiếp theo để "đầu tư tiếp sức". "Tức là lấy tiền người sau trả tiền người trước?", HĐXX truy vấn, song ông Hải không thừa nhận, cũng không bác bỏ, mà cho rằng đó là hình thức "đầu tư tiếp sức". Ông Hải đảm bảo nếu không bị bắt, chỉ trong 2 năm, ông có thể khiến mỗi dự án sinh lời một tỷ USD.

Bị cáo có quan điểm, các cổ phần mình mua tại 8 công ty trên là tài sản của mình, trường hợp cần thanh lý trả tiền cho các nhà đầu tư, ông Hải sẽ lấy cổ phần này ra trả.

Nhiều bị hại "kêu oan" cho bị cáo

Trong hơn 570 bị hại được triệu tập, 87 người có mặt đều khẳng định qua người quen giới thiệu và dự các lớp học dạy làm giàu của ông Hải, tin tưởng vào "trình độ, đạo đức và tầm nhìn" của bị cáo nên quyết định đầu tư.

r-1682039488.png
Các bị hại có mặt tại phiên toà. Ảnh: Danh Lam

Bà Hiền, 67 tuổi, trú Hà Nội cho hay, cùng mẹ đẻ góp vốn gần 6 tỷ đồng cho tiến sĩ Hải, song mới được chi trả 100 triệu đồng. Bà cho rằng chủ yếu tin tưởng vào chức vụ Chủ tịch IDT được quảng bá qua trang mạng học làm giàu.

"Tôi thấy dấu đỏ công ty IDT và chức danh đó trên hợp đồng nên mới ký, chứ nếu là cá nhân thì không bao giờ đầu tư. Anh chị em trong nhà, bố con còn không tin tưởng được nữa là người dưng. Tôi khẳng định đầu tư cho công ty chứ không góp tiền cho ông Hải", bà cho hay.

"Ngoài niềm tin ra còn nguyên nhân nào nữa? Chị nghĩ thế nào mà tin vào việc làm ăn cho lãi 40-50%? Chị đã thấy dự án cho vay lãi cao thế chưa?", chủ toạ hỏi. Bà Hiền thừa nhận, mất tiền, phần lớn do tham lãi suất cao, có nguyện vọng được lấy lại số tiền.

"Tôi say mê lý tưởng làm giàu của anh Hải, tin tưởng bán nhà góp tiền tiếp sức cho anh. Bản thân cũng là nhà khoa học, tôi rất tôn trọng. Nhưng nay tôi già rồi, chỉ mong Hải trả lại tiền", một nữ bị hại tại Hà Tĩnh, bị thiệt hại hơn 2,4 tỷ đồng, bày tỏ.

Trong khi đó, phần lớn những người còn lại đều khẳng định không bị ông Hải lừa. Họ cho rằng giao dịch giữa mình và ông Hải là dân sự, tự nguyện đầu tư, nhận thức được rủi ro và tuyệt đối tin tưởng.

Ông Nguyễn Quang Việt, 81 tuổi, nói dù ông Hải được tự do hay phải đi tù, thì sau đó, ông vẫn đầu tư cho ông Hải làm giàu tiếp.

Nhóm bị hại này đều không đề nghị ông Hải bồi thường, đề nghị toà tuyên "trắng án" để tiến sĩ tiếp tục kinh doanh cùng họ.

Tháng 5/2018, ông Hải bị cấp sơ thẩm tuyên tù chung thân. Toà phúc thẩm một năm sau tuyên huỷ án, điều tra lại số bị hại và thiệt hại, xác minh đồng phạm.

Cáo trạng mới nhất của VKSND Hà Nội ra tháng 11/2022, vẫn xác định ông Hải là bị cáo duy nhất. Vợ ông Hải cùng 4 kế toán, nhân viên công ty IDT được xác định "không biết, không tham gia việc kinh doanh của ông Hải, không bị xử lý.

VKS xác định, ông Hải thành lập và làm Chủ tịch HĐQT Công ty IDT từ năm 2007, hoạt động nhiều lĩnh vực song đều không hiệu quả. Một năm sau, ông Hải lập website hoclamgiau, tổ chức hội thảo dạy làm giàu.

Trong các buổi học, ông Hải giới thiệu là tiến sĩ, nhiều kinh nghiệm kinh doanh tại Liên Xô, có tài đầu tư, kinh doanh. Công ty IDT đang triển khai các dự án có lãi suất cao, có siêu dự án...Để thu hút nhiều người góp vốn, ông Hải đưa ra các hợp đồng góp vốn lãi suất 40-50%/năm, cắt lãi ngay khi nộp tiền; chi thưởng những người môi giới hợp đồng mới...

Huy động vốn phục vụ cá nhân song ông Hải chỉ đạo kế toán IDT soạn thảo, ký hợp đồng, kiểm đếm tiền tại trụ sở IDT. Hợp đồng góp vốn đầu tư đều sử dụng con dấu IDT để họ tin tưởng.

Trong một năm, tháng 10/2014-10/2015, ông Hải huy động được hơn 2.725 tỷ đồng từ 2.574 nhà đầu tư, "chỉ tính các khoản có phiếu thu". Việc sử dụng số tiền này ra sao, ông không cho các nhà đầu tư biết.

Nhà chức trách xác định, ông Hải chỉ dùng 99 tỷ đồng (tức 3,6% tổng số tiền huy động) để góp vào 9 dự án "đều chưa có lợi nhuận, hoạt động không hiệu quả, không có khả năng sinh lợi nhuận cao" như ông Hải hứa hẹn, theo VKS.

Ông Hải mất hoàn toàn khả năng thanh toán cho các "nhà đầu tư" này, tổng hơn 576 tỷ đồng là thiệt hại vụ án.

Theo Thanh Lam - vnexpress.net