w-1679463346.jpg
Tỉ lệ trẻ em trên địa bàn tỉnh Ninh Bình nhập viện do cúm A từ đầu tháng 3 đến nay tăng cao. Ảnh: Diệu Anh

Tại Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình, từ đầu tháng 3 đến nay, số bệnh nhi nhập viện tăng gấp 3 lần so với trung bình những tháng trước. Đặc biệt là trẻ nhập viện do mắc cúm A.

Mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 700 bệnh nhi đến khám và điều trị. Trong đó, chủ yếu là trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp như: Viêm hô hấp trên, viêm hô hấp dưới, viêm tiểu phế quản, cúm, nhiễm siêu vi đường hô hấp... Riêng số trẻ đang điều trị nội trú là trên 500 trẻ, trong đó có 2/3 trẻ mắc bệnh đường hô hấp, cúm. Các trường hợp nhập viện phần lớn là trẻ dưới 5 tuổi.

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc - Phó Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Sản-Nhi Ninh Bình - cho biết, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 300 bệnh nhi đến khám bệnh với các triệu chứng như sốt cao, ho, chảy dịch mũi nhiều, mệt mỏi, ăn uống kém, có dấu hiệu mất nước. Nhất là có một số trẻ xuất hiện co giật rất nguy hiểm.

Theo các bác sĩ Ngọc, những triệu chứng trên là dấu hiệu của trẻ mắc các bệnh cúm như: Cúm A, cúm B và cúm virus hợp bào hô hấp RSV. Đặc biệt, hiện nay, số trẻ mắc cúm A phải nhập viện điều trị chiếm tỉ lệ cao. Trẻ mắc bệnh thường ở lứa tuổi dưới 5 tuổi, thậm chí có cả ở trẻ sơ sinh.

Bác sĩ Đinh Văn Toàn (Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản - Nhi Ninh Bình) hay, hiện trung bình mỗi ngày Khoa truyền nhiễm tiếp nhận hàng chục bệnh nhi nhập viện điều trị. Trong đó, gần 10 trẻ nhập viện điều trị cúm A. Tỉ lệ trẻ nhập viện do cúm A từ đầu tháng 3 đến nay tăng gấp 3 lần so với những tháng trước đó.

“Thực tế, số trẻ đến khám và được xác định mắc các bệnh về truyền nhiễm như cúm A, cúm B, cúm virus hợp bào hô hấp RSV là rất nhiều” - bác sĩ Toàn cho hay.

Cũng theo bác sĩ Toàn, do số trẻ nhập viện điều trị tăng cao nên bệnh viện đã triển khai các phương án đáp ứng nhu cầu khám, điều trị cho trẻ như: Tăng số lượng bàn khám, giường điều trị, cán bộ y, bác sĩ tăng cường làm thêm giờ. Đồng thời, tích cực khám sàng lọc, phân loại bệnh nhân để điều trị ngoại trú, theo dõi tại nhà, khi có vấn đề có thể gọi trực tiếp đến bệnh viện để được hỗ trợ kịp thời...

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc cho hay, nguyên nhân trẻ nhỏ bị cúm A tăng đột biến là do khí hậu thay đổi thất thường, độ ẩm không khí tăng cao tạo điều kiện thuận lợi cho các virus lây truyền qua đường hô hấp phát triển nhanh. Bên cạnh đó, đối với những trẻ dưới 5 tuổi thường miễn dịch kém, việc tiêm phòng cho trẻ chưa cao. Ngoài ra, cách chăm sóc trẻ của gia đình chưa phù hợp như vệ sinh chưa tốt, an toàn vệ sinh thực phẩm… dẫn đến trẻ dễ bị nhiễm vi khuẩn.

“Để phòng ngừa các bệnh cúm, khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh cúm, trẻ cần được đưa đến cơ quan y tế đủ tin cậy để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời. Tránh trường hợp để bệnh quá nặng mới đến bệnh viện hoặc trường hợp tự mua thuốc kháng sinh điều trị khi chưa có bội nhiễm vi khuẩn dẫn đến nguy cơ kháng thuốc và không đúng phác đồ điều trị” - bác sĩ Ngọc chia sẻ.

Theo Diệu Anh - laodong.vn