oi-1678082238.jpg
Sụt lún đất tại xã Châu Hồng gây hậu quả nghiêm trọng. Ảnh: Q.Đại

Hơn 10 tỉ đồng hỗ trợ người dân bị thiệt hại

Ngày 5.3, trao đổi với phóng viên, ông Trần Đức Lợi - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) - cho biết, đến thời điểm hiện nay, công tác hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả sụt lún đất tại xã Châu Hồng cơ bản đã hoàn tất.

 “Huyện đã triển khai khảo sát, lập hồ sơ 449 trường hợp bị thiệt hại do hiện tượng sụt lún đất, có 447 hộ đã nhận hỗ trợ và tiến hành khắc phục xong, chỉ còn 2 hộ chưa đồng thuận. Người dân yên tâm và ghi nhận sự nỗ lực của chính quyền địa phương cũng như doanh nghiệp trong việc khẩn trương khắc phục hậu quả, đến nay cuộc sống nhân dân trên địa bàn đã đi vào ổn định”- ông Trần Đức Lợi nói.

Được biết, cơ quan chức năng đã tính toán tổng số tiền chi trả là 10,428 tỉ đồng, đã chi trả 9,087 tỉ đồng.

Số tiền nói trên do Công ty CP Tân Hoàng Khang chịu trách nhiệm thanh toán. Đây là doanh nghiệp được cấp phép khai thác quặng thiếc tại xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp. Để khai thác quặng sâu trong lòng đất, đơn vị này đã  bơm hút nước ngầm dưới lòng đất với khối lượng lớn.

Từ năm 2020 đến đầu năm 2022, tại xã Châu Hồng xuất hiện hàng loạt “hố tử thần”, mặt đất bỗng nhiên xuất hiện các hố sụt lún lớn và sâu, ban đầu từ cánh đồng sau lan vào nhà dân, gây nứt nẻ các công trình xây dựng, nước giếng cạn kiệt.

Cơ quan chức năng và chính quyền địa phương vào cuộc, yêu cầu Công ty CP Tân Hoàng Khang chấm dứt hành vi bơm hút nước ngầm.

Kể từ thời điểm Công ty CP Tân Hoàng Khang dừng việc bơm hút nước ngầm, hiện tượng sụt lún đất, nứt nhà và khô cạn nước giếng đã chấm dứt.  

Chi tiền tỉ vẫn không tìm ra thủ phạm

UBND huyện Quỳ Hợp đã ký hợp đồng với Liên đoàn Địa chất Bắc Trung bộ để thuê đơn vị này tiến hành các biện pháp xác định nguyên nhân của hiện tượng sụt lún, với giá trị hợp đồng lên tới gần 1 tỉ đồng.

Vào ngày 1.8.2022, Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ công bố đã xác định được 6 nguyên nhân dẫn đến sụt lún tại xã Châu Hồng.

Theo đó, do địa hình địa mạo tại xã này khá phức tạp dẫn đến chế độ thủy văn nước mặt và nước ngầm bị ảnh hưởng.  Ngoài ra, do cấu trúc địa chất có nhiều hang động cát tơ (karst), nhiều hang đá trầm tích bở rời hệ đệ tứ, tạo nên lớp chứa nước không áp lực.

Cùng với đó điều kiện thời tiết biến đổi bất thường đã tác động mạnh mẽ của tầng chứa nước áp lực trong đới cát tơ đã phá vỡ lớp sét cách nước nên dẫn đến sụt lún đất, nứt nẻ nhà cửa.

Tuy nhiên, UBND huyện Quỳ Hợp không chấp nhận kết quả trên mà yêu cầu phải chỉ ra được nguyên nhân chính xác, khẳng định có phải do doanh nghiệp khai thác khoáng sản gây nên hay không.

UBND huyện Quỳ Hợp đã gia hạn cho Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ để tìm ra nguyên nhân, đối tượng phải chịu trách nhiệm về hiện tượng sụt lún đất.

Tuy nhiên đến nay, theo ông Cao Thế Bảo - Phó Phòng TNMT huyện Quỳ Hợp - cơ quan chuyên môn vẫn chưa tìm ra “thủ phạm” gây nên tình trạng sụt lún đất ở xã Châu Hồng.

Mặc dù không bị xác định là đối tượng gây ra hiện tượng sụt lún đất ở xã Châu Hồng, nhưng Công ty CP Tân Hoàng Khang vẫn chấp nhận chi trả số tiền hơn 10 tỉ đồng hỗ trợ khắc phục hậu quả cho 449 hộ dân trên địa bàn.

Tuy nhiên, cũng do chưa tìm ra được đối tượng chịu trách nhiệm, nên người dân chỉ nhận được tiền hỗ trợ chứ không phải tiền đền bù. Số tiền này không đủ 100% chi phí khắc phục hậu quả, nên người dân phải chi trả thêm.

Từ đó, người dân xã Châu Hồng đề nghị địa phương tiếp tục điều tra, xác minh, làm rõ nguyên nhân, có biện pháp khắc phục, ngăn chặn tận gốc để người dân yên tâm, cũng như yêu cầu đối tượng gây thiệt hại phải thanh toán 100% chi phí khắc phục hậu quả.

Theo Quang Đại - laodong.vn