Thời gian qua, nhiều người dân ở xã Bình Hải, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) phản ánh một dự án cải tạo đất nông nghiệp lên đến vài hecta nhưng không rõ tính pháp lý. Đáng chú ý đây là khu vực bờ biển gần cạnh thắng cảnh Gành Yến (nơi có rạn san hô tuyệt đẹp hàng ngàn năm tuổi).

a-1656929940.jpg
Một khu đất có diện tích đất nông nghiệp ven bờ biển xã Bình Hải (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) được cải tạo biến dạng - nghi ngờ là dự án trái phép.

Ghi nhận tại hiện trường, chúng tôi chứng kiến khu vực triển khai dự án rộng khoảng chừng vài hecta, nằm sát bờ biển thôn Thanh Thủy.

Khu vực này đã được "cải tạo tích cực" đến mức khó có thể nhận ra đây là đất nông nghiệp. Cốt nền của khu vực đã được nâng cao so với trước đến vài mét, từ bãi biển nhìn vào có thể nhìn thấy một khối lượng đá xây dựng rất lớn đã được huy động đến đây.

b-1656929964.jpg
Một khối lượng đá khổng lồ được sử dụng để nâng cốt nền của khu vực cao lên dến vài mét.
c-1656929971.jpg
Khu đất được cải tạo có khoảng vài trăm mét tiếp giáp với bãi biển, gềnh san hô.

Qua tìm hiểu, được biết lượng đất đá khổng lồ này được chuyển đến đây thông qua lối công vụ của một dự án kè chống sạt lở gần đó. Nguồn gốc các vật liệu này là từ công trường giải phóng mặt bằng của dự án Hoà Phát đang triển khai tại Khu Kinh tế Dung Quất gần đó.

Ngoài khối lượng đá khổng lồ sử dụng để nâng nền, còn thừa lại rất nhiều thì được chất đống cao chừng hơn 2m trên một diện tích khoảng vài trăm mét vuông.

d-1656930010.jpg
Một lượng đá kết thừa lên đến hàng nghìn khối được chất đống cao trên diện tích vài trăm mét vuông.

Bên trong dự án, chủ đầu tư cho xe ủi san lấp một con đường rộng khoảng 5m xuống dự án, đào xới đồi làm mái ta-luy, khuôn viên bên trong trồng rất nhiều loại cây khác nhau. Tại đây tập trung khoảng gần mười nhân công đang đổ bê tông, xây dựng một công trình kiên cố khoảng vài chục mét vuông.

“Hồi xưa, khu vực bãi biển ở đây rộng rãi, có nhiều rạn san hô ven bờ rất đẹp, rất thích hợp cho phát triển du lịch cộng đồng. Bây giờ nhiều người đổ đất đá xuống xâm lấn bãi biển khiến các rạn san hô bị hư hại, bãi biển cũng không còn”, bà T., một người dân địa phương đang phơi rong mơ cho biết.

e-1656930045.jpg
Một công trình kiên cố đang được các công nhân xây dựng.

Khi được hỏi đây là dự án gì thì số công nhân ở đây nói là không biết. “Người ta chỉ thuê mình làm còn lại, làm sao mà nắm, mấy chú lên hỏi thôn, xã xem sao!” – Một công nhân nói.

Nhiều người dân tại đây cung cấp cho phóng viên biết đây là “khu L.Q” hay “dự án L.Q” một cách đại khái vì không được rõ.

Khi liên hệ với trợ lý của ông L.Q, người này khẳng định ông L.Q không có đất gì ở khu vực được nêu, dự án cũng không liên quan gì đến anh L.Q. Thông tin gì phóng viên cần thì liên hệ với xã Bình Hải, huyện Bình Sơn.

f-1656930072.jpg
Phương tiện cơ giới san gạt, tạo mặt bằng trong khu đất.

Trao đổi với chính quyền, ông Ngô Văn Thính - Chủ tịch UBND xã Bình Hải xác nhận khu vực triển khai dự án nói trên thuộc phần đất nông nghiệp của gia đình, bạn bè của một người tên L.Q (hiện đang công tác tại Đại học Quốc gia Hà Nội).

“Trước đây, ông L.Q và một số anh em thân cận khác có triển khai một dự án xây dựng Trung tâm hội nghị Quốc tế edu Việt, không nhớ tên cụ thể. Về sau, vì dự án thuộc diện phải đấu thầu nên gia đình ông L.Q không làm nữa và tiến hành cải tạo làm nông nghiệp sinh thái, du lịch cộng đồng ở Gành Yến. Hiện tại dự án chưa được phê duyệt, chưa có giấy tờ, pháp lý gì”, ông Thính cho biết.

Chủ tịch UBND xã Bình Hải cũng xác nhận nguồn gốc khối lượng đá trên là được “xin” từ khu vực dự án Hoà Phát. Riêng phản ánh của người dân việc dự án đã cải tạo đất, san lấp đồi, đổ đá làm bờ mái ta-luy xâm lấn bờ biển, rạn san hô; hay xây dựng nhà điều hành trên đất nông nghiệp… chưa thấy gia đình xin phép, báo cáo với chính quyền địa phương.

“Chúng tôi sẽ kiểm tra việc này, tham vấn các phòng chức năng trên huyện để có báo cáo lên trên và có hướng xử lý”, ông Thính cho biết./.