Trong Quyết định này, UBND Nghệ An yêu cầu thanh tra Công ty CP Cấp nước Nghệ An, xác định nguyên nhân sự cố về việc nước sinh hoạt trên địa bàn thành phố Vinh và vùng phụ cận bị nhiễm bẩn, đục bất thường.

Đồng thời, UBND Nghệ An yêu cầu thanh tra việc sử dụng nguồn nước thô cung cấp cho các nhà máy nước; việc tuân thủ quy định pháp luật về quy hoạch, đầu tư, xây dựng các tuyến ống và các nhà máy nước. Thời kỳ thanh tra từ năm 2019 đến nay.

cc-1677757896.jpg
UBND Nghệ An đã ban hành Quyết định thanh tra xác định nguyên nhân sự cố nước sinh hoạt trên địa bàn thành phố Vinh và vùng phụ cận bị nhiễm bẩn, đục bất thường. (Ảnh: PN)

Trước đó, Sở Xây dựng đã phối hợp cùng Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Công an tỉnh, cùng các địa phương tiến hành kiểm tra vấn đề nước sạch trên địa bàn TP.Vinh và các vùng phụ cận. 

Trên cơ sở kiểm tra thực tế tại hiện trường và báo cáo của các đơn vị liên quan, Sở Xây dựng đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh.

Theo đó, đoàn kiểm tra kết luận về nước thô đầu vào, mẫu nước thô sông Lam có 1 thông số giám sát không đạt (COD) vượt quy chuẩn 1,24 lần.

Mẫu nước thô sông Đào có 4 thông số giám sát vượt quy chuẩn cho phép, gồm: BOD5 vượt 1,17 lần, COD vượt 1,007 lần, TSS vượt 1,26 lần, Nitrit vượt 1,34 lần; trong đó chỉ số TSS thể hiện chất gây ô nhiễm nước.

Vì vậy, nếu quá trình sản xuất không đảm bảo lắng, lọc các chất không hòa tan sẽ dẫn đến xuất hiện vật thể lạ trong nước sinh hoạt như vừa qua.

Tại thời điểm kiểm tra, nhà máy nước Hưng Nguyên sử dụng nước thô từ sông Đào để sản xuất nước sạch với công suất trung bình khoảng 2.500m3/giờ tương đương công suất 60.000m3/ngày đêm cấp nước về khu vực TP.Vinh. Nhà máy nước Hưng Vĩnh và Cầu Bạch trong 6 tháng đầu năm 2022 sử dụng nguồn nước thô sông Lam để sản xuất nước sạch giảm khối lượng nhiều so với cùng kỳ năm 2021.

Theo đoàn kiểm tra, để xảy ra sự việc nước sạch bị nhiễm bẩn thời gian qua trách nhiệm thuộc về Công ty CP Cấp nước Nghệ An. 

Cụ thể, Công ty không kịp thời báo cáo cho chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan khi người dân phản ánh hiện tượng nước sinh hoạt nhiễm bẩn, đục bất thường. 

Việc xử lý sự cố và khôi phục việc cấp nước sạch không triệt để, kịp thời dẫn đến cung cấp dịch vụ cấp nước cho người dân không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định.

Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Sở Xây dựng tỉnh Nghệ An đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ban, ngành, trong đó có Công an tỉnh kiểm tra, xử lý các hoạt động gây ô nhiễm nguồn nước, phối hợp làm rõ nguyên nhân sự cố, xác định hành vi vi phạm pháp luật có liên quan của các cá nhân, tổ chức, xử lý theo đúng quy định; thành lập đoàn thanh tra liên ngành do Thanh tra tỉnh chủ trì để tiến hành kiểm tra sự việc.

Theo tìm hiểu của phóng viên, năm 2019, Công ty CP Cấp nước Nghệ An cũng đã bơm nước sông Đào thay thế nước sông Lam để sản xuất nước sạch bán cho người dân dù giá nước thô từ dòng sông Lam được phê duyệt là 1.950 đồng/m3, nước thô từ sông Đào là 900 đồng/m3, chênh lệch giá nước sạch thành phẩm khi sản xuất từ 2 nguồn nước thô này được quy định là 2.000 đồng/m3.

Việc sử dụng nguồn nước này nhưng lại bán trên đơn giá của sản phẩm khác cao hơn, ít nguy cơ ô nhiễm hơn, sự chênh lệch giá trên đã gây thiệt hại lớn cho người dân.

Sau đó, UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản số 5640/UBND-CN chỉ đạo chấn chỉnh tình trạng trên, yêu cầu Công ty CP Cấp nước Nghệ An dừng việc lấy nước thô từ sông Đào để sản xuất nước sinh hoạt tại 2 nhà máy nước Bạch Cầu và Hưng Vĩnh; thực hiện lấy nguồn nước thô trực tiếp từ sông Lam (đã được tính đủ chi phí nước thô trong giá tiêu thụ nước sạch tại Quyết định số 41/2018/QĐ-UBND ngày 2/10/2018 của UBND tỉnh Nghệ An) để sản xuất nước sạch cấp cho địa bàn thành phố Vinh và vùng phụ cận.

Theo Định Trần - congluan.vn