Về tới đầu làng Vân Tập xã Minh Châu huyện Diễn Châu tỉnh Nghệ An, dưới chân lèn Hai Vai sừng sững, cạnh giếng Thần cổ kính đã đi vào lịch sử, chúng ta lại bắt gặp tiếng sáo trong trẻo véo von, tiếng đàn nhị da diết thiết tha, hoà với những làn điệu dân ca ví giặm xứ Nghệ phát ra từ ngôi nhà kiểu Thái uy nghi. Đó là ngôi nhà “ Sinh hoạt cộng đồng” của vợ chồng ông Lê Xuân Hiển và bà Nguyễn Thị Lê, khi nhắc tới họ khiến người dân nơi đây ai ai cũng ngưỡng mộ tâm đắc!
 
Đôi vợ chồng ấy có tâm hồn nghệ sỹ đã gắn bó với nghệ thuật khi thuở còn mười tám đôi mươi. Với bà Nguyễn Thị Lê, niềm đam mê có sự ảnh hưởng rất lớn từ đại gia đình truyền thống văn hoá Nghệ thuật, ông nội Nguyễn Trung Sơn là một hoạ sỹ tài ba có nhiều bức vẽ nỗi tiếng. Có người nói rằng, nhân một chuyến du lịch ở Pháp đã từng thấy bức vẽ 100 con chim sẻ như muốn cất cánh bay của ông đang lưu giữ ở bảo tàng Paris. Cha của bà là đạo diễn sân khấu tài ba Nguyễn Trung Đính, nguyên diễn viên đoàn văn công quân khu 4 cùng lớp đàn anh Nghệ sỹ nhân dân Đào Mộng Long và là cán bộ Tiền khởi nghĩa, một trong những người cắm cờ đỏ sao vàng tại Chợ Sò Phủ Diễn thời Cách mạng tháng 8/1945.

Đặc biệt, bà là em con chú bác ruột với 2 người anh  có công lớn trong việc đưa Dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh được UNESSCO công nhận là văn hoá phi vật thể của nhân loại, đó là nhà biên kịch nổi tiếng Nguyễn Trung Phong và Nguyễn Trung Giáp. Bên cạnh truyền thống gia đình bà Lê có tố chất thông minh, nhớ nhanh, thời còn nhỏ thường theo cha đạo diễn văn nghệ, bà ngồi xem và thuộc làu những vở kịch, tuồng, chèo và đặc biệt là dân ca ví giặm. Những tháng ngày về hưu,  để tiếp nối truyền thống dòng họ, gia đình làm nghệ thuật và giữ gìn phát triển dòng văn hóa dân gian xứ Nghệ, vợ chồng ấy đã vượt qua muôn vàn khó khăn.

Công việc đầu tiên đó là bỏ ra số tiền tiết kiệm gần 200 triệu bao năm thu vén, dựng “hội trường” ngay trên mảnh sân 200m2 của mình để làm nơi sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Ban đầu, số hội viên ít ỏi đếm đầu ngón tay, những người đã từng là diễn viên không chuyên của đội văn nghệ xã trước đây. Nhưng rồi, sức lan tỏa của Hội càng ngày càng bay xa, vang xa tính đến thời điểm này số hội viên văn hóa, văn nghệ đã lên gần tới 70 người. Tôn chỉ của Hội là đem tiếng lời hát, vở kịch phục vụ bà con làng xóm; bên cạnh đó, cùng sát cánh với các đoàn thể ở địa phương như Ban văn hóa, Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ, Hội người cao tuổi… tham gia các cuộc liên hoan sân khấu, các câu lạc bộ trong huyện và tỉnh Nghệ An. 
 
Qua tìm hiểu, đôi vợ chồng ấy đã có bề dày kỷ niệm tuổi thanh xuân đam mê nghệ thuật. Từ những năm 1973, thời khói lửa đạn bom kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đôi “trai tài gái sắc ấy” đã đem “tiếng hát át tiếng bom” phục vụ mọi người. Những đêm diễn trong lùm cây phi lao dưới ánh đèn dầu leo lét  "sân khấu" là những miếng ván, cây mét, đắp xung quanh là tường đất nhằm tránh bom đạn kẻ thù.

Đó là những ngày sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 1976, bà cùng với cha, anh, đội văn nghệ xã lặn lội ra tận Hà Nội dự Hội diễn văn nghệ toàn quốc và nỗi vui mừng đó là vở diễn “Một lá đơn” của anh mình Nguyễn Trung Giáp đoạt 3 HCV trong đó của bà, của anh và cha là người đạo diễn. Rồi những lần đi bộ hàng chục cây số gánh đàn, khiêng trống, phông màn đi diễn phục vụ cho cố Tổng bí thư Lê Duẩn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hội trường huyện ủy Diễn Châu và Nhà khách tỉnh ủy Nghệ Tĩnh (cũ) Bà Lê nhớ lại:  "Hồi đó,  khoảng năm 1977, 1978 hai lần đội văn nghệ xã Diễn Bình chúng tôi vinh dự được Ty, Phòng văn hóa chỉ định diễn vở tấu chèo: " Con cà con kê" của bác Hà Duy Quận và một số hoạt cảnh Dân ca ví giặm cho bác Duẩn, bác Đồng, bác Giáp xem tại huyện và tỉnh, kết thúc buổi diễn các bác ấy đều lên sân khấu tặng hoa, bắt tay vui cười nhìn chúng tôi với ánh mắt rất thân thiện trìu mến vô cùng".

Hiện nay, trong bộ sưu tập bà còn lưu giữ được 2 HCV toàn Quốc và nhiều Bằng khen, Giấy khen các cấp trao tặng. Thế rồi, cái gì đến rồi cũng phải đến! Giữa những ngày tham gia đội văn nghệ Diễn Bình đó, đôi diễn viên không chuyên Lê Xuân Hiển và Nguyễn Thị Lê càng thêm gắn bó, lớn dần thành tình yêu rồi đơm hoa, kết trái. Năm 1978, họ đã về với nhau chung mẹ cha, mái ấm gia đình. Sự đồng cảm, say mê văn hóa văn nghệ tiếp tục được hòa chung, cộng hưởng, lời ca tiếng hát của nàng thêm ngọt ngào truyền cảm. Âm đàn, tiếng sáo, vai diễn kịch nói của chàng càng ấm áp mê say.
 
Nhưng rồi, dẫu rất yêu quê hương, mê say câu đò đưa ví giặm, nhưng đôi vợ chồng lại phải đi tìm công việc vì tương lai đang đón chờ phía trước. Cuối năm 1979, sau khi nhận giải HCV tại Hội diễn nghệ thuật không chuyên ở thành phố Huế, nhận thức được sự nhanh nhẹn, thông minh trong vấn đề phong trào, Huyện đoàn Diễn Châu tuyển dụng bà vào phụ trách phát triển phong trào Đoàn của huyện, rồi chuyển sang Phòng văn hóa huyện năm 1986 cuối cùng bà chuyển qua công tác tại Công ty phát hành sách Nghệ Tĩnh, đại diện Chi nhánh tại Diễn Châu cho đến ngày về hưu 2007. Còn chồng bà, ông Lê Xuân Hiển, sau một thời gian công tác ở trường Trung cấp chính trị tỉnh Đăk Lăk, ông chuyển về làm Giám đốc trường chính trị Diễn Châu cho đến ngày về hưu 2011. Hình như chất văn hóa văn nghệ đã ngấm vào máu thịt của họ. Cho nên, ở cương vị, lĩnh vực nào, đôi vợ chồng ông Hiển bà Lê vẫn miệt mài câu hát tiếng đàn trong những dịp Hội diễn ngành mình công tác và luôn rinh về những giải cao đáng trân trọng. Cả cuộc đời gần nhau chẳng mấy, xa nhau thì nhiều. Đôi vợ chồng luôn như đôi chim non sát cánh bên nhau cống hiến tinh thần cho đời.
 
Về với địa phương, nơi chôn nhau cắt rốn, vợ chồng bà cùng Hội văn nghệ tham gia các cuộc liên hoan sân khấu, các câu lạc bộ trong tỉnh. Phải quyết tâm và yêu nghề lắm hai vợ chồng mới vượt qua những khó khăn của cuộc sống mưu sinh thường nhật. Thành công nhất của Hội văn nghệ mà ông bà dày công gây dựng đó là Kịch ngắn dân ca, Đối ca dân ca Nghệ Tĩnh, Múa hiện đại. Tất cả các Hội thi huyện, tỉnh phát động, Hội văn nghệ đều nhận trách nhiệm, nhiệt tình không màng vật chất, đã thi là mang kết quả cao về cho địa phương.

Đơn cử, năm 2017 đoạt giải 3 tỉnh, năm 2018 đoạt giải 2 Hội thi Dân số KHHGĐ, đoạt giải xuất sắc Hội thi chữ thập đỏ và giải 2 Hội thi người cao tuổi huyện Diễn Châu. Tuy vậy, vui là thế, buồn cũng mênh mông bởi có một số người còn hay ganh tị, dèm pha làm méo mó việc làm nhân văn và loại hình nghệ thuật vô giá này. Nhưng với cái tâm trong sáng và hoạt động nghệ thuật nghiêm túc, cùng với sự đổi thay của ngành văn hóa trong giữ gìn, khôi phục vốn cổ văn hóa dân gian, họ dần tìm được công chúng yêu chuộng. Ngoài hoạt động phong trào văn hóa văn nghệ của Hội cho địa phương, nơi “ Hội trường” ông bà Hiển Lê cũng còn là “nhà thi đấu thể thao” cho các đội bóng chuyền hơi trong và ngoài huyện giao lưu học hỏi. Bên cạnh đó, Hội đã tổ chức giao lưu với Hội văn hóa văn nghệ tỉnh Hòa Bình, cùng với Hội văn nghệ sỹ Diễn Châu tổ chức vinh danh đêm Nhạc Hoàng Nguyên thành công mỹ mãn được mọi người khen ngợi. Đặc biệt, ngày 19/10/2019 trong đêm Hội thảo khoa học “Vai trò nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong với nền kịch hát Dân ca ví giăm” tổ chức tại thành phố Vinh. Hội văn nghệ vinh dự được tham gia thành công ngoài mong đợi.

Cái lí thú ở đây là sự trùng lặp ngẫu nhiên chính là ông Hiển, bà Lê ngày xưa đóng vợ chồng anh cu Thành trong vở kịch dân ca: “Khi ban đội đi vắng” của anh mình, nhà viết kịch: Nguyễn Trung Phong, thì hôm nay, đôi vợ chồng ấy lại có dịp lên sân khấu đóng lại vai vợ chồng anh cu Thành đội trưởng nhân dịp vinh danh cho anh! Nhằm lấy lại cho anh làn điệu giận thương thiết tha tình cảm: “Giận thì giận mà thương thì thương/ Giận thì Giận mà thương thì thương/ Anh đi sai đường em không chịu nỗi...” một thời kỳ quá dài ai cũng nhầm tưởng rằng là điệu hát dân ca dân gian! Sau khi diễn vở kịch “khi ban đội đi vắng” đôi vợ chồng đã để lại ấn tượng sâu sắc cho khán giả tại Nhà hát dân ca, nhất là các đại biểu, các nhà khoa học, nhạc sĩ, nghệ sĩ đến từ Trung ương và xứ Nghệ  Trao đổi về gia đình bà Nguyễn Thị Lê, ông Võ Đình Quyền, chủ tịch xã Minh Châu vui vẻ:
 
“Hiếm có được một gia đình nào có sự cống hiến cho tập thể như nhà anh chị Hiển Lê, sẵn sàng dở bỏ, hiến tặng vườn cây cảnh trước sân cho tập thể để xây dựng hội trường vui chơi giải trí miễn phí cho quê hương về văn nghệ, thể dục thể thao. Với công việc của xã, mỗi khi có chương trình gì liên quan đến phong trào, chúng tôi chỉ cần đến trao đổi là anh chị sẵn sàng ủng hộ vô điều kiện”
 
Qua những hành động cống hiến của vợ chồng ông bà, chúng ta chợt hiểu, phần thưởng lớn nhất của họ không chỉ là những Huy chương, tấm Bằng khen, Giấy khen mà chính bởi ngọn lửa nghệ thuật mà gia đình họ tộc của họ đã bao đời nay ươm mầm trong tâm hồn con cháu. Tuy vui là đến cùng, công việc tập thể là quên hết tất cả việc nhà. Nhưng đêm về, đi qua ngõ giếng Thần, chúng ta vẫn thường thấy bóng dáng một người phụ nữ ngồi im lặng suy tư nhìn lên khoảng xa vô định. Ở nơi đó, nghĩa trang có đứa con trai xấu số của cha mẹ ra đi khi tuổi còn quá trẻ, mãi mãi không về với cha mẹ nữa. Dòng nước mắt cứ lặn vào trong tim biến thành nghị lực cuộc sống, càng nhớ con vợ chồng càng muốn cống hiến cho đời, cho muôn người. Chắc ở dưới suối vàng con rất hiểu tâm tình cha mẹ!