U23 Việt Nam đã vượt qua U23 Thái Lan ở chung kết SEA Games 31 để bảo vệ ngai vàng Đông Nam Á, trong trận đấu mà thực tế thầy trò Park Hang Seo có thời điểm để đối thủ lấn lướt. U23 Việt Nam không vượt trội, thậm chí có thời điểm bị áp đảo ở khả năng cầm bóng hay tổ chức tấn công. 

Tuy nhiên, một đội bóng điển hình do HLV Park Hang Seo dẫn dắt chưa bao giờ cần những yếu tố này để giành chiến thắng chung cuộc. 

Chịu đựng áp lực 

120 phút "quần thảo" với U23 Malaysia ở bán kết đã cho thấy cả hai mặt của U23 Việt Nam. Đó là năng lực không cần bàn cãi ở khả năng phòng ngự, nhưng hạn chế ở khâu tổ chức đội hình, dẫn đến cả tấn công, phản công hay chuyển trạng thái đều không ấn tượng.

2 trận đấu ở vòng loại U23 châu Á giúp ông Park "bắt bệnh" của học trò. Ông tận dụng quyền gọi 3 cầu thủ quá tuổi để gọi 2 tiền vệ giỏi làm bóng (Hùng Dũng, Hoàng Đức) cùng một trung phong biết ghi bàn.

Nhà cầm quân người Hàn Quốc muốn tạo ra một tam giác tấn công hoạt động độc lập trong trường hợp các cầu thủ U23 chơi dưới sức, và thực tế đã đúng với tính toán. Hùng Dũng, Tiến Linh in dấu giày vào 4 trong số 7 bàn thắng. Pha bóng kết liễu U23 Malaysia ở bán kết được thực hiện bởi chính bộ đôi này. 

Công thức chiến thắng mà HLV Park Hang Seo thiết lập cho U23 Việt Nam là phòng ngự thật chắc, rồi để nhóm cầu thủ trên 23 tuổi giải quyết khâu ghi bàn. U23 Thái Lan của HLV Mano Polking đã lường trước cách chơi này khi sử dụng số đông ở tuyến tiền vệ để cắt đứt những đường chuyền giữa Hoàng Đức, Hùng Dũng với Tiến Linh.

u23-vn-u23-thai-lan-19104911-1653233080.jpg
U23 Việt Nam gồng mình hứng chịu áp lực. (Ảnh: Ngọc Anh) 

Trong suốt hiệp 1, bộ ba quá tuổi không tìm thấy nhau ở những pha phối hợp. U23 Thái Lan kiểm soát và luân chuyển bóng ở tuyến giữa quá tốt nhờ những đường chuyền nhanh của Woorachit hay Benjamin Davies. Davies là điểm nhấn trong các pha tấn công của U23 Thái Lan khi di chuyển thông minh giữa hai lớp phòng ngự của U23 Việt Nam, khiến chủ nhà xộc xệch đội hình ở nhiều thời điểm.

U23 Thái Lan là đội đầu tiên khiến U23 Việt Nam không thể chơi bóng đúng nghĩa. Tuy nhiên, khi kiểm soát thế trận và dâng cao đội hình, U23 Thái Lan phải chấp nhận rủi ro. Những đội bóng của HLV Park Hang Seo đã được rèn luyện rất kỹ khả năng chịu đựng áp lực. U23 Việt Nam nguy hiểm nhất khi được chơi cửa dưới và rình rập đối thủ đúng nghĩa. 

U23 Thái Lan muốn tấn công, nhưng lựa chọn của Polking vô tình trao cho đội bóng của HLV Park Hang Seo quyền được chơi bóng theo cách của mình. 

Đòn trừng phạt của HLV Park Hang Seo 

Chất lượng tạt bóng của U23 Việt Nam đã bị hoài nghi trong suốt giải đấu. Nếu ở SEA Games 31, U23 Việt Nam ghi gần nửa số bàn thắng, thì tại SEA Games 31, đội bóng của thầy Park phải đợi đến trận gặp đội yếu nhất bảng U23 Timor Leste để tìm được một bàn thắng từ những quả tạt. 

Vấn đề còn trầm trọng hơn khi Văn Xuân chấn thương, buộc HLV Park phải dùng một chân tạt chưa thể hiện được nhiều từ đầu giải như Tuấn Tài. Tuy nhiên, cầu thủ thuộc biên chế CLB Viettel đã vụt sáng thành người hùng khi thực hiện quả tạt như đặt để Mạnh Dũng đánh đầu ghi bàn.

manh-dung-21593956-1653233107.jpg
Mạnh Dũng đánh đầu lập công cho U23 Việt Nam. (Ảnh: Ngọc Anh)

Tuấn Tài chơi kém nổi bật trước phút 80, nhưng chỉ cần một khoảnh khắc để thay đổi cục diện. Đó cũng là pha bóng cho thấy rõ nhất đặc trưng của U23 Việt Nam. Có thể không có cấu trúc đội hình hay lối chơi thực sự rõ ràng, nhưng điều đó không quan trọng.

Bóng đá là trò chơi được định đoạt bởi những khoảnh khắc. U23 Việt Nam đã căng mình chịu đựng áp lực của U23 Thái Lan, để rồi chỉ chờ đợi đối thủ lơi lỏng để gây sức ép mạnh sang hai biên và có bàn thắng duy nhất. 

Trước khi Mạnh Dũng đánh đầu ghi bàn, U23 Việt Nam đã bỏ lỡ không ít tình huống ăn bàn, đơn cử như cú cứa lòng bị chặn đứng của Tiến Linh, cú căng ngang hỏng trong thế 2 đánh 2 của Văn Đô.

Vẫn có những sai số trong lối đá, nhưng việc tạo ra nhiều cơ hội nguy hiểm trong bối cảnh không cần cầm nhiều bóng là điểm mạnh trong lối chơi rình rập mà phải đến trận gặp U23 Thái Lan, U23 Việt Nam mới có cơ hội thể hiện. Mà ở thế trận rình rập, HLV Park Hang Seo luôn chứng tỏ sự cao tay.

Pha hoán đổi Văn Tùng với Mạnh Dũng, kéo Tiến Linh lùi về ở hàng tiền vệ để tăng quân số đối chọi với U23 Thái Lan rồi đẩy Mạnh Dũng bất ngờ đá nhô cao áp sát vòng cấm đã khiến hàng thủ đối phương bối rối.

HLV 63 tuổi không thể thay đổi lối chơi của U23 Việt Nam trong ngày một ngày hai, nhưng cách sử dụng nhân sự cả về mặt chiến lược (chọn Hoàng Đức, Hùng Dũng, Tiến Linh) đến chiến thuật đã giúp ông tận dụng tốt nhât tài nguyên hiện có.

hung-dung-01-22374648-1653233133.jpg
Vai trò của Hùng Dũng quá quan trọng. 

Chiến thắng 1-0 trước U23 Thái Lan cũng giúp U23 Việt Nam đã có gần 900 phút sạch lưới ở SEA Games. Mọi đội bóng của HLV Park Hang Seo, dù có lực lượng ra sao, phong độ thế nào, đều giữ được kỷ luật phòng ngự.

Chơi thật chắc rồi kiên nhẫn tận dụng khoảnh khắc sơ hở để ghi bàn, đối thủ biết HLV Park Hang Seo sẽ chỉ đạo chơi như thế, nhưng khắc chế không phải chuyện đơn giản.

Vẫn còn những vết gợn sau tấm HCV, khi U23 Việt Nam vẫn phụ thuộc vào Hùng Dũng, Hoàng Đức. Khi bộ đôi này không còn góp mặt ở giải châu Á, đội sẽ vận hành thế nào? Hay lứa cầu thủ kế cận đang chưa thể hiện được những tiềm năng như Quang Hải, Văn Hậu, Hoàng Đức hay Tiến Linh đã từng.

Dù vậy, U23 Việt Nam có thể chờ đợi chiến thắng ở SEA Games hôm nay là sự khích lệ cho các cầu thủ. HLV Park Hang Seo đã tận dụng tốt nhất năng lực cầu thủ để mang về danh hiệu này. Còn cầu thủ trong tương lai phát triển thế nào, có tiềm năng vươn xa hay không, đó là câu chuyện của cả nền bóng đá./.