nguoinghe.vn

Nhiều Trường THPT trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã băn khoăn với Quyết Định 145/QĐ-UBND tỉnh Nghệ An.

Ngày 18/1 vừa qua, UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Quyết định 145/QĐ-UBND, về việc điều chỉnh, bổ sung biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách và hợp đồng hỗ trợ, phục vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập năm 2024.

Theo QĐ 145 của tỉnh Nghệ An quy định về số định biên đối với các Trường THPT trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Cụ thể, Trường THPT Con Cuông 81 định biên, Trường THPT Quỳ Châu 92 định biên, Trường THPT Quế Phong 99 định biên; Trường THPT Kỳ Sơn 84 định biên… Với quy định này, các trường THPT lâu nay đang tồn tại tình trạng thiếu giáo viên bộ môn đến nay không thể tuyển thêm vì số định biên đã "cạn”.

Tìm hiểu của PV thì, hầu hết các Trường THPT trên địa bàn các huyện miền núi Nghệ An đều có tình trạng thiếu giáo viên bộ môn. Điển hình một số trường như: Trường THPT Quế Phong thiếu giáo viên Tin học; Trường THPT Quỳ Châu thiếu giáo viên các môn: Văn, Sử, Giáo dục công dân; Trường THPT Kỳ Sơn thiếu giáo viên Toán; Trường THPT Tương Dương 2 thiếu giáo viên Tiếng Anh…

Tình trạng thiếu giáo viên đã trở nên phổ biến ở các trường miền núi với nhiều lý do khách quan và chủ quan khác nhau.

Các trường ở miền núi đang “chống cháy” với tình trạng thiếu giáo viên bộ môn bằng cách thuê giáo viên dạy thêm hoặc trả thêm tiền (tiền thừa giờ) cho các giao viên bộ môn để họ có thể “tăng ca” và đảm bảo đủ tiết cho học sinh của trường.

Tuy nhiên, tình trạng trên vẫn đứng trước nguy cơ các môn học thiếu giáo viên xảy ra vấn đề “quá tải”. Đặc biệt, đối với những thời điểm “chạy nước rút” ở các kỳ học, hay phụ thuộc vào sức khỏe của các giáo viên tham gia giảng dạy quá nhiều tiết học trong tuần. Và nghiễm nhiên, chất lượng các môn học đó sẽ không được đảm bảo như các môn học khác.

Lâu nay, chất lượng giáo dục ở Nghệ An đang có sự chênh lệch rõ rệt ở đồng bằng và miền núi, nay việc thiếu giáo viên càng ảnh hưởng sâu sắc đến vấn đề dạy và học ở các khu vực này.

nguoinghe.vn
Việc tinh giảm định biên đã đặt các Trường THPT trên địa bàn các huyện miền núi Nghệ An đứng vào thế "tiến thoái lưỡng nan".

Các trường học bế tắc trong xử lý kinh phí dạy và học

Thầy giáo C.T.L, Hiệu Trưởng của một Trường THPT trên địa bàn huyện miền núi Nghệ An cho biết, lâu nay, các trường đã rất vất vả để xử lý tình trạng thiếu giáo viên bộ môn của trường, nay QĐ 145 ra đời càng khiến cho trường càng thêm điêu đứng.

Đặc biệt trong kỳ học mới này, Nhà trường không biết nên bố trí cho giáo viên dạy vượt số tiết quy định hay không? Nếu như bố trí dạy “tăng ca” cho những giáo viên có môn học thiếu giáo viên thì kinh phí sẽ lấy ở đâu để chi trả cho những giáo viên dạy thừa giờ đó?

Tìm hiểu tại Trường THPT Quế Phong, theo QĐ 145 của UBND tỉnh Nghệ An giao chỉ tiêu định biên cho trường này là 99 người, trong đó có cả cán bộ, giáo viên và nhân viên. Trước đó, định biên của trường này là 102 giáo viên và cán bộ. Theo quy định được bàn hành trong điều 17 của Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 30/10/2023, thì Trường THPT Quế Phong đang thiếu đến 9 giáo viên.

Trong đó, Trường THPT Quế Phong thiếu nhiều giáo viên, nổi trội như môn Tin học thiếu đến 2 giáo viên giảng dạy. Đứng trước những khó khăn trên, trường đã cố gắng sắp xếp các giáo viên phụ trách “gồng mình” để đảm bảo đủ tiết dạy cho các lớp.

Một số trường còn nghĩ đến cách “cắt giảm” lớp học để tránh tình trạng thiếu giáo viên dù số lượng học sinh/lớp vẫn đảm bảo theo quy định của Bộ GD&ĐT. Nhưng việc làm này cũng rất khó khăn khi việc ghép lớp chỉ có thể thực hiện ở khối lớp 12 vì đây là lớp đang theo chương trình cũ, hiện nay đang là học kỳ II của năm học nên không thể thực hiện chia lại lớp ở khối 10 và 11.

“Khối lớp 12 chỉ còn vài tháng nữa là thi tốt nghiệp, các em đang ôn thi theo lớp và giáo viên dạy lâu nay, việc xáo trộn ngay thời điểm này sẽ ảnh hưởng không hề nhỏ đến chất lượng đầu ra, chúng tôi không biết phải làm như thế nào để hài hòa các vấn đề cho phù hợp với nhà trường theo Quyết định 145”, một Hiệu trưởng chia sẻ.

Đó cũng là tình trạng chung đối với các Trường THPT trên địa bàn nhiều huyện miền núi Nghệ An. Các khoản chi phí thường xuyên đứng trước tình trạng “đói”. Việc giao khoán chỉ tiêu định biên cho các trường miền núi không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục mà các Trường THPT ở miền núi Nghệ An đang phải “nai lưng buộc bụng” vì các khoản chi phí khác cũng bị ảnh hưởng.

Trao đối với PV, nhiều trường “khóc thét” vì các khoản chị phí khác bị ảnh hưởng bởi tình trạng siết chặt định biên của UBND tỉnh Nghệ An.

Theo quy định, các khoản chi cho các hoạt động thường xuyên trong nhà trường không quá 12% quỹ lương của nhà trường.

“Số lượng học sinh, lớp học, giờ học, giáo viên, cũng như các khoản chi khác vẫn “cứng” như những năm trước nhưng định biên bị giảm sút khiến chúng tôi không biết lấy đâu ra tiền để bù cho các khoản chi đó”, một cán bộ Trường THPT chia sẻ.

nguoinghe.vn
Hầu hết các Trường THPT trên địa bàn tỉnh Nghệ An đứng trước nguy cơ thụt lùi về chất lượng giáo dục.