Được mùa giá rẻ như cho

Nhiều nông dân ở các xã Tân Thắng, Quỳnh Thắng, Quỳnh Châu huyện Quỳnh Lưu của tỉnh Nghệ An đang bước vào mùa chính vụ thu hoạch dứa. Tuy nhiên, so với thời điểm năm ngoái, giá dứa hiện nay rớt thê thảm chỉ còn từ 2.000 - 3.000 đồng/kg khiến người trồng dứa lao đao.

1-1647578875.jpg
Hiện tại, giá dứa bán cho thương lái từ 3.200 - 3.500 đồng/kg, giảm một nửa so với năm trước

Chị Nguyễn Thị Vân - người trồng dứa lâu năm ở thôn 2/9, xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An cho biết, thời điểm sau Tết giá dứa dao động từ 6.500-7.000 đồng/kg cho quả dứa hàng hoa (dứa loại 1). Với hàng loại 2, 3 cũng có giá 2.500 đồng/kg. Nhưng nửa tháng nay, giá dứa loại một tại ruộng giảm còn 3.000-3.500 đồng/kg, thấp nhất trong 3 năm qua. "Năm nay, thị trường tiêu thụ rất chậm, giá rớt thảm chưa từng có", chị Vân nói.

Hì hục vác những gùi dứa nặng trĩu, ông Dương Đình Đức - Bí thư kiêm xóm trưởng xóm 19/8 xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu cho biết, gần 4ha dứa của gia đình ông mặc dù đã đến ngày thu hoạch nhưng thương lái vẫn chỉ thu mua cầm chừng.

Cũng theo ông Đức, “năm 2017 giá dứa cũng có lần rớt về đáy, thu mua tận ruộng chỉ 1,5 ngàn đồng/1kg mà cũng không ai mua, bà con chán bỏ đầy ruộng. Bao nhiêu năm nay bà con trồng dứa cứ phải phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Khi bà con không mặn mà trồng thì thương lái đẩy giá lên cao, được một vài mùa bà con tích cực trồng nhiều, thì thương lái lại giảm giá xuống. Nói chung là khổ cho dân…”.

Trong khi đó, bà Hồ Thị Huấn ở Tân Thắng dù đã nhận tiền cọc của thương lái nhưng vẫn hồi hộp chờ thương lái đến thu mua. "Bữa chốt giá với thương lái rồi mà nay giá xuống thấp. Không chỉ nhà tôi mà nhiều thương lái họ bỏ cả cọc nên bà con chưa biết bán cho ai. Thời điểm này năm ngoái nhộn nhịp bao nhiêu thì nay ảm đạm bấy nhiêu. Nếu mức giá này kéo dài đến hết vụ thì xem như năm nay người dân trồng ròng rã suốt hơn 1 năm không có công” - bà Huấn lo lắng.

Theo các hộ trồng dứa ở đây, từ đầu năm 2022 đến nay, giá dứa rơi vào mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Năm nay mới đầu vụ nhưng lại rầu rĩ vì mất giá, cứ đà này thua lỗ là cầm chắc.

Thương lái thu mua cầm chừng

Ông Nguyễn Quốc Khánh - Chủ tịch UBND xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) - cho biết, nông dân trồng dứa đang rối bời vì giá thấp, không ai mua. Theo ông Khánh, do thị trường tiêu thụ khó khăn, một số thương lái trước đó có đặt cọc của nông dân cũng đành "bỏ cọc chạy lấy người".

2-1647578908.jpg
Dứa được mùa nhưng bán rẻ như cho khiến người trồng thu không đủ bù chi

Ông Khánh cũng cho biết thêm, hiện xã Tân Thắng trồng tổng cộng 1.200ha dứa với năng suất trung bình 30-35 tấn/ha. Thời điểm này có khoảng 500 - 600ha cho quả thu hoạch. Cây dứa xác định là cây trồng chủ lực, chiếm tỷ trọng 40% thu nhập ngành nông nghiệp của toàn xã. Nếu thương lái mua lúc này sẽ thuận lợi cho dân. Tuy nhiên, ông Khánh cho biết từ sau ngày 24/2 giá dứa giảm hằng ngày.

Qua tìm hiểu, ông Khánh cho hay "sau Tết Nguyên đán giá dứa 6.500-7.000 đồng/kg, nông dân phấn khởi vì được giá. Chưa kịp mừng thì sau ngày 24/2, thời điểm xung đột xảy ra tại Ukraine giá dứa giảm sốc, xuống còn 3.000-3.500 đồng/kg”.

Theo lý giải của ông Khánh, dứa nguyên liệu tại Nghệ An chủ yếu cung ứng cho nhà máy chế biến tại Ninh Bình và một nhà máy chế biến trong tỉnh. Sản phẩm qua sơ chế và chế biến, bao gồm nước ép dứa và dứa cắt lát chủ yếu xuất sang Nga và thị trường châu Âu. Bởi vậy, khi xung đột xảy ra, sản phẩm không thể xuất đi, các nhà máy cũng hoạt động cầm chừng hoặc giảm công suất, dẫn tới nhu cầu nguyên liệu giảm, các đơn vị thu mua dừng hoặc hạn chế mua dứa của người dân.

Không chỉ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ xung đột Ukraine, dứa nguyên liệu trong nước tiếp tục bị thêm một cú “đánh bồi” từ thị trường Trung Quốc khi tình trạng tắc biên tái diễn. Các địa phương có diện tích dứa nguyên liệu lớn như Thanh Hóa, Sơn La... phải chuyển hướng tiêu thụ ngược về phía Nam, dẫn tới giá dứa tại Nghệ An bị ảnh hưởng do cạnh tranh trong thị trường nội địa.

"Không thể giải cứu mãi"

Theo tính toán của người dân, trồng 1 ha dứa đến khi thu hoạch sẽ mất khoảng gần 76 triệu đồng tiền chi phí. Nếu 1 ha dứa cho năng suất 33 - 34 tấn/ha được bán với giá 4.500 đồng/kg sẽ đem lại doanh thu 153 triệu đồng, sau khi trừ chi phí cho lợi nhuận 77 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, sau Tết Nguyên đán đến nay, dứa chỉ bán được với giá 3.200 - 3.500 đồng; sau khi trừ chi phí, 1 ha dứa sẽ còn lại lợi nhuận từ 10 - 13 triệu đồng, chưa tính công chăm sóc trong hơn 1 năm.

3-1647578937.jpg
Cung vượt cầu, giá dứa rớt là điều không tránh khỏi

Toàn huyện Quỳnh Lưu có trên 1.000 ha dứa, được trồng chủ yếu ở các xã Tân Thắng, Quỳnh Thắng, Quỳnh Châu. Dự kiến từ nay đến hết tháng 12/2022, diện tích dứa cho thu hoạch khoảng hơn 600 ha; trong đó chủ yếu tập trung vào khoảng thời gian từ tháng 3 - 6 dương lịch với 250 ha, sản lượng đạt hơn 7.200 tấn. Để nhằm ổn định sản phẩm dứa cho bà con nông dân, các địa phương đang tập trung các giải pháp để sớm bình ổn giá, tìm kiếm thêm thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Theo những hộ trồng dứa ở đây, do thị trường tiêu thụ dứa không ổn định, chưa cam kết được giá với các nhà máy cũng như các thương lái. Thêm vào đó nguồn cung vượt cầu cũng khiến nhiều thương lái trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu không dám thu mua nhiều, tránh tình trạng dứa tồn đọng lâu ngày gây hư hỏng.

Trước tình hình giá dứa giảm thấp và bán khó, ông Nguyễn Quốc Khánh - Chủ tịch UBND xã Tân Thắng - cho hay, địa phương đang tập trung các giải pháp để sớm bình ổn giá, tìm kiếm thêm thị trường tiêu thụ sản phẩm.

"Đây là vấn đề lớn, không thể giải quyết ngay được và cần sự vào cuộc của nhiều ngành" - ông Khánh kiến nghị.

Tuy nhiên giải pháp "giải cứu" tạm thời là xã đang kêu gọi các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp địa phương hỗ trợ tiêu thụ dứa giúp nông dân. “Nếu không có thương lái đến mua thì kêu dân mang dứa ra đường bán cho người qua lại. Tạo điều kiện tốt nhất cho các tư thương trên địa bàn tỉnh vào thu mua cho bà con. Hạn chế tối đa tình trạng chèo kéo ép giá của dân xuống quá thấp. Bằng giá nào cũng phải giúp dân tiêu thụ. Xã tiếp tục liên hệ với Nhà máy dứa Đồng Giao thu gom dứa giúp dân, ký cam kết thu mua ổn định cả sản lượng và giá làm sao cho người dân khi sản xuất ra xác định được lãi hay lỗ…”.

Ông Nguyễn Quốc Khánh cho biết, xã sẽ kêu gọi, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào xây dựng nhà máy sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất cho tới chế biến, xuất khẩu và nếu làm được việc này thì không có doanh nghiệp nào bỏ nông dân. Theo ông Khánh, không chỉ năm nay mà sau này quả dứa sẽ tiếp tục với câu chuyện "giải cứu" nếu không giải quyết được vấn đề sản xuất theo chuỗi vốn đã được nói từ rất lâu thì nông sản mãi chịu cảnh "giải cứu"./.