Tham dự phiên thảo luận tại Tổ 1 có các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. Đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành; Bí thư Thành ủy, Thị ủy, Huyện ủy, đại diện Thường trực HĐND và Chủ tịch UBND các địa phương.

a-1670425113.jpg
Quang cảnh phiên thảo luận tại tổ 1

Kết quả giải ngân vốn đầu tư công thấp và công tác cải cách hành chính được nhiều đại biểu thảo luận

b-1670425150.jpg
Đại biểu Nguyễn Như Cần (đại biểu TP Vinh) nêu ý kiến

Đại biểu Nguyễn Như Cần (đại biểu TP Vinh) đánh giá: Do ảnh hưởng của tình hình thế giới dẫn đến giá xăng dầu, nguyên liệu, các yếu tố đầu vào tăng mạnh nhưng dưới sự chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, kinh tế - xã hội của tỉnh đạt 27/28 chỉ tiêu. Tuy nhiên, theo đại biểu Cần thì tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp; có tình trạng cán bộ thẩm định, kiểm tra dự án “thận trọng quá mức”. Tiến độ giải quyết thủ tục hành chính ở các cấp còn chậm. Đại biểu đề nghị UBND tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là các nhà đầu tư chủ lực, các doanh nghiệp mới thành lập.

c-1670425189.jpg
Đại biểu Nguyễn Hữu An (đại biểu TX Hoàng Mai) nêu ý kiến

Để tạo điều kiện trong công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án, đại biểu Nguyễn Hữu An (TX Hoàng Mai) đề nghị UBND tỉnh đề xuất với các cấp có thẩm quyền trong việc phân cấp cho chính quyền địa phương thẩm định giá đất. Đồng thời, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường sớm có hướng dẫn giải quyết triệt để việc trích lục, trích đo để giải quyết dứt điểm việc bồi thường trong giải phóng mặt bằng dự án nâng cấp quốc lộ 1A đoạn qua phường Quỳnh Xuân, TX Hoàng Mai.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Chi (TX Cửa Lò) đề nghị rà soát lại các chỉ tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 -2025 để xem những chỉ tiêu nào đã đạt, những chỉ tiêu nào chưa đạt; đồng thời đề nghị tập trung thu hồi các dự án chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh.

Tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu cũng đã nêu nhiều ý kiến liên quan đến việc thực hiện chuyển đổi số; tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc và việc thiếu vật tư y tế trong khám, chữa bệnh; chất lượng và quy mô của các sản phẩm OCOP còn có nhiều hạn chế; đề nghị tỉnh có thêm các chính sách để phát triển sản xuất nông nghiệp; đề nghị điều chỉnh thời gian nộp tiền đấu giá quyền sử dụng đất… Đại biểu cũng băn khoăn về tỷ lệ số bác sỹ công tác tại các trạm y tế; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đề ra như vậy có quá cao hay không…

d-1670425222.jpg
Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Xuân Đức làm rõ các nội dung liên quan

Giải trình về các nội dung liên quan đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Xuân Đức cho biết, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư thấp có trách nhiệm của ngành Kế hoạch và Đầu tư. Bên cạnh các nguyên nhân khách quan, thì nguyên nhân chủ quan là các cấp, các ngành, các chủ đầu tư chưa quyết liệt trong công tác giải ngân vốn đầu tư công. Công tác thẩm tra của các đơn vị được thực hiện “thận trọng” hơn; công tác giải phóng mặt bằng thực hiện chậm hơn. Người đứng đầu Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các đơn vị, địa phương tập trung quyết liệt trong công tác giải ngân vốn đầu tư công.

Về việc kiểm tra và thu hồi các dự án không triển khai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Xuân Đức cho biết tỉnh đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để tổ chức kiểm tra trên toàn tỉnh. Riêng TX Cửa Lò sẽ có 7 dự án được kiểm tra và thời gian qua tỉnh cũng đã thu hồi 10 dự án không triển khai trên địa bàn thị xã.

Đối với việc phân cấp cho chính quyền địa phương thẩm định giá đất, theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Văn Toàn thì quy định pháp luật không cho phép điều này. Tại phiên thảo luận tổ, đại diện các ngành cũng đã làm rõ nhiều nội dung liên quan.

Chủ tịch UBND tỉnh: Kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 là rất đáng mừng

e-1670425297.jpg
Đại biểu Nguyễn Đức Trung – Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu ý kiến

Phát biểu tại phiên thảo luận tại tổ 1, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung (đại biểu huyện Nam Đàn) nhấn mạnh, những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022 là rất đáng mừng trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tình hình thế giới có nhiều biến động, thiên tai xảy ra trên địa bàn. Điểm lại những kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, theo Chủ tịch UBND tỉnh, những kết quả đạt được là nhờ sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ; sự phối hợp nhịp nhàng trong giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tế; thực hiện đầu tư trọng tâm, trọng điểm tạo động lực cho sự phát triển.

Về tỷ lệ giải ngân vốn đấu tư công thấp, theo Chủ tịch UBND tỉnh, trong quá trình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, các chủ đầu tư và các ngành liên quan chưa phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ; sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền còn nhiều hạn chế.

Về công tác cải cách hành chính, theo người đứng đầu UBND tỉnh thì công tác cải cách hành chính vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp. Nguyên nhân là do chưa có sự quyết liệt “trên thoáng nhưng dưới chưa thông”; tâm lý sợ, ngại, thận trọng trong giải quyết. “Những hạn chế này là có trách nhiệm của UBND tỉnh và người đứng đầu các ngành, địa phương” – Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Về kế hoạch năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, các mục tiêu, chỉ tiêu đã được cân nhắc rất kỹ trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới. Người đứng đầu UBND tin tưởng với những khó khăn đã vượt qua trong năm 2022 thì năm 2023 tỉnh sẽ hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra.

Để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cần tiếp tục đoàn kết thống nhất, phối hợp, chia sẻ trong thực hiện các nhiệm vụ; tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; tập trung giải quyết các nút thắt về cải cách hành chính, nút thắt hạ tầng; tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp…

f-1670425420.jpg
Kết luận phiên thảo luận tổ, đồng chí Nguyễn Thị Thơm – Tổ trưởng Tổ 1 cho biết sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu để trình lên kỳ họp HĐND tỉnh.

Theo PT - nghean.gov.vn