Ngày 1/11, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV tiếp tục thảo luận về các nội dung: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; Đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2025, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; ...

Giá SGK tăng và không được kiểm soát

Phát biểu ý kiến tranh luận tại phiên họp về cơ sở giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì biên soạn một bộ sách giáo khoa (SGK), đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng, thay vì giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa thì việc tập trung chỉ đạo biên soạn sách giáo khoa cho trẻ em khiếm thính, khiếm thị, sách giáo khoa dạy tiếng dân tộc thiểu số mới là việc cấp thiết hơn.

sd-1698890434.jpg
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn giải trình thêm về SGK

Bên cạnh đó, dù Bộ Giáo dục và Đào tạo có đứng ra tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa hay không thì bộ sách ấy cũng phải được thẩm định, phê duyệt công bằng với các bộ sách giáo khoa do các tổ chức, cá nhân khác biên soạn.

Tranh luận lại ý kiến này, đại biểu Trần Văn Sáu (Đồng Tháp) nêu rõ, Đảng kêu gọi xã hội hóa chăm lo cho giáo dục nhưng Nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo trong giáo dục. Do đó, không nên biến xã hội hóa thành thương mại hóa SGK. Thực tế cho thấy, ở lĩnh vực nào khi xã hội hoá đều hạ giá, riêng SGK càng xã hội hóa thì giá càng tăng. Đây là một nghịch lý và không có căn cứ nào để đảm bảo rằng sách giáo khoa tiếp tục không tăng.

Hiện nay, không có nghị quyết nào phủ quyết Nghị quyết 88 của Quốc hội. Tại mục 3, Điều 2 Nghị quyết 88 nêu rõ Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa. Bộ sách giáo khoa này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các bộ SGK do tổ chức, cá nhân biên soạn.

Chỉ rõ Nghị quyết 88 được ban hành năm năm 2014, đến năm 2020 mới có Nghị quyết 122, tuy nhiên trong thời gian 6 năm trôi qua mà Bộ Giáo dục và đào tạo không tổ chức thực hiện nghị quyết này? Trong khi đó, lại đẩy toàn bộ việc biên soạn sách giáo khoa bằng hình thức xã hội hoá. Từ đó dẫn tới việc thả nổi SGK, giá tăng và không kiểm soát được, đại biểu Trần Văn Sáu đặt vấn đề.

Giải trình thêm về những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm liên quan đến SGK, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, vừa qua, Đoàn giám sát của Quốc hội đã ghi nhận hệ thống SGK cơ bản được biên soạn, phê duyệt, phát hành cơ bản đúng tiến độ, đáp ứng được yêu cầu dạ và học. Nội dung sách giáo khoa bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục… Đây là sự ghi nhận đối với toàn ngành giáo dục, đội ngũ giáo viên, những người tham gia soạn sách. Về tài chính chi cho giáo dục, con số đưa ra là tính cả chi thường xuyên và chi cho đầu tư phát triển.

Về biên soạn SGK, từ nay đến năm 2024, việc quan trọng nhất cần làm là thẩm định chất lượng các SGK lớp 5, lớp 9, lớp 12 cho thật tốt, đảm bảo đủ sách giáo khoa trước năm học mới. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có đánh giá tổng thể, sâu sắc về vấn đề này và sẽ có đề đạt phương án với Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Đấu thầu, mua sắm thuốc được cải thiện

Phát biểu về việc chậm trễ cung ứng thuốc trong thời gian qua, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) cho biết, hiện nay việc đấu thầu, mua sắm thuốc đã được cải thiện rất nhiều, không còn hiện tượng phải mua thuốc ngoài và cũng giảm đi rất nhiều. Tuy nhiên, trong khi đấy việc mua bán vật tư tiêu hao y tế lại vô cùng rối. Nguyên nhân khách quan là do có quá nhiều quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực nhạy cảm này, rất khó để đưa ra quyết định mua sắm, đáp ứng đầy đủ các quy định của nhiều bộ, ngành khác nhau.

Khó khăn nhất hiện nay là không thể mua được hàng chất lượng tốt và phát triển được kỹ thuật mới. Rất nhiều hàng chất lượng không tốt vẫn vượt qua "khe cửa hẹp" để trúng thầu với giá rẻ, có những hãng sẵn sàng in sửa lại catalo để đáp ứng yêu cầu đưa vào danh sách đấu thầu. Chính vì vậy, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng cần đẩy mạnh tiêu chí bảo hành, chuyển giao kỹ thuật, phân nhóm, chỉ có hãng chất lượng tốt mới chấp nhận bảo hành, bảo trì lên đến 5 năm kèm theo các điều khoản đào tạo chuyển giao. Nếu các tiêu chí này được pháp luật khuyến khích bằng các văn bản hướng dẫn cụ thể sẽ giúp ích rất nhiều cho ngành y tế.

l-1698890478.jpg
ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) mong sớm có đạo luật về thu hút, trọng dụng nhân tài

Tán thành với nhiều giải pháp trong kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) đề nghị cần có các biện pháp mạnh mẽ trong cải cách thể chế. Cần coi thể chế như một nguồn lực, cần sớm thành lập Ban Chỉ đạo trung ương về cải cách thể chế, coi đây là một điểm đột phá quan trọng, cần đặc biệt quan tâm 3 nhóm thể chế về kinh tế: xác lập bình đẳng trong phân phối nguồn lực xã hội không kể công và tư; bảo vệ chế độ hợp đồng, bảo vệ tài sản; giải quyết tốt quan hệ Nhà nước – thị trường. Việc các địa phương xin cơ chế đặc thù cho thấy cái áo thể chế của chúng ta đã quá chật hẹp, cần rà soát đồng bộ để có đổi mới toàn diện thay vì vá víu một cách ngắn hạn.

Đánh giá cao việc Chính phủ đang chuẩn bị xây dựng dự thảo về thu hút, trọng dụng nhân tài, đại biểu Lê Thanh Vân mong sớm có đạo luật để có quy tắc chung cho toàn xã hội trong vấn đề này. Về doanh nhân dân tộc, vừa qua, Bộ Chính trị mới ban hành Nghị quyết 41, đại biểu đề nghị Quốc hội thể hiện tinh thần Nghị quyết này trong Nghị quyết Kỳ họp, đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị.