Chỉ thị nêu rõ: Để tiếp tục thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững nhằm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và đầu tư công năm 2022 (mục tiêu giải ngân từ 95 - 100%) và cả giai đoạn 2021 - 2025, việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 Chương trình MTQG những tháng cuối năm 2022 và những năm sau là một trong những nhiệm vụ, giải pháp rất quan trọng, cần ưu tiên tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung quán triệt, thực hiện nghiêm các quan điểm, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Quan điểm, định hướng, chỉ đạo điều hành: Xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2022 và năm 2023, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển KT-XH 2 năm 2022-2023. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công phải đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

2542-yee-1666156257.jpg
Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: Các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 124/NQCP của Chính phủ; các Nghị quyết phiên họp thường kì của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ về giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Tăng cường kỉ luật, kỉ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về đất đai, tài nguyên… Trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, rà soát từng dự án cụ thể, nhất là các dự án khởi công mới; kiểm soát chặt chẽ sự cần thiết, quy mô từng dự án theo đúng quy hoạch, mục tiêu được duyệt, bảo đảm hiệu quả đầu tư và kết quả đầu ra của từng dự án…

Xây dựng phương án phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023, Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, 3 Chương trình MTQG phải phù hợp với các quy định của Luật Đầu tư công, các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Chính phủ và Chỉ thị số 12/CT-TTg về xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023…

Đối với các dự án dự kiến giao kế hoạch năm 2023: chỉ đạo chủ đầu tư chủ động chuẩn bị thật tốt các thủ tục, điều kiện cần thiết ngay trong năm 2022 để sẵn sàng triển khai thực hiện, giải ngân vốn của dự án ngay sau khi được giao kế hoạch vốn năm 2023. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng dự án được giao vốn nhưng không giải ngân được hoặc giải ngân không hết kế hoạch vốn được giao.

Khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 trước tháng 11/2022 theo yêu cầu tại Nghị quyết số 16/NQ-CP của Chính phủ và Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; rà soát ưu tiên bố trí đủ vốn cho các dự án chuyển tiếp, sắp xếp thứ tự ưu tiên khởi công mới các dự án trong năm 2023 bảo đảm tính khả thi về thủ tục đầu tư, thực hiện và giải ngân; hoàn thành một số dự án trọng điểm, tạo động lực mới phát triển ngành, lĩnh vực và địa phương...

Các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lí và tăng cường lồng ghép các nguồn vốn thực hiện các Chương trình MTQG, bảo đảm sử dụng vốn tập trung, tiết kiệm, hiệu quả; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, trùng lắp, lãng phí; không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản./.