z381710071875441d204cf381b5c55ed064c8c16af94d4-16663255327431554969639-1666338963.jpg
Quyền Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long phát biểu tại Họp báo "Phát động chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi tiêu thụ thịt thú rừng của người thành thị" - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Thông tin được ông Nguyễn Văn Long, Quyền Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết tại buổi Họp báo "Phát động chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi tiêu thụ thịt thú rừng của người thành thị" do Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức sáng 21/10.

Quyền Cục trưởng Cục Thú y nhấn mạnh, thế giới ghi nhận sự xuất hiện ngày càng nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có nguồn gốc từ ĐVHD lây sang người. Điển hình như Hội chứng suy giảm miễn dịch (AIDS/HIV), Ebola, Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS-Cov), dịch COVID-19 hay bệnh đậu mùa khỉ. Một trong những nguyên nhân chủ yếu làm xuất hiện những dịch bệnh này là do việc sử dụng thịt thú rừng để làm thực phẩm.

Lãnh đạo Cục Thú y phân tích, mặc dù Việt Nam đã ban hành các quy định về kiểm soát dịch bệnh lây từ ĐVHD sang người, nhưng trong thực tế còn nhiều nội dung, quy định chưa đầy đủ hoặc đã có quy định nhưng còn bất cập đối với dịch bệnh trên ĐVHD dẫn đến những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn. Việc kiểm soát vận chuyển ĐVHD, sản phẩm có nguồn gốc từ ĐVHD do nhiều cơ quan chức năng khác thực hiện như: Biên phòng, hải quan, quản lý thị trường, công an, cảnh sát biển, kiểm lâm, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) và chính quyền địa phương. 

Hằng năm, có rất nhiều trường hợp vi phạm liên quan đến mua bán, vận chuyển, tiêu thụ ĐVHD và sản phẩm ĐVHD bị bắt giữ. 

Nghiên cứu của Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) và GlobeScan thực hiện năm 2021 tại Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Nhật Bản, Trung Quốc và Hoa Kỳ cho thấy: 7% tổng số người được hỏi khẳng định họ hoặc một người mà họ quen biết đã mua các sản phẩm từ ĐVHD tại các khu chợ bán ĐVHD trong 12 tháng qua. Tỉ lệ này cao hơn ở Việt Nam với 14% và thấp nhất ở Myanmar với 4%. Đáng chú ý là, 9% trong tổng số người trả lời đã mua các sản phẩm từ ĐVHD chia sẻ họ có thể và sẽ mua lại các sản phẩm ĐVHD trong tương lai. 

Việc mua bán, vận chuyển, tiêu thụ ĐVHD và sản phẩm ĐVHD làm suy giảm nghiêm trọng quần thể các loài hoang dã, gây ra các loại tội phạm xuyên biên giới, đồng thời làm tăng đáng kể nguy cơ lây truyền bệnh từ động vật sang người. Lào, Việt Nam, Campuchia là ba quốc gia cho thấy mức độ sử dụng thịt ĐVHD cao, đặc biệt các loài thú và chim được bày bán nhiều ngoài chợ và tiêu thụ tại các nhà hàng. Trong khi đó, phần lớn các bệnh truyền nhiễm mới nổi hiện nay có nguồn gốc từ động vật và lây truyền sang người.

 "Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong việc ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh nguy hiểm lây truyền từ ĐVHD sang người, cần thực hiện theo khuyến cáo của các tổ chức quốc tế; đồng thời rà soát, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống dịch bệnh trên ĐVHD; xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành giữa các cơ quan, đơn vị quản lý ĐVHD", ông Nguyễn Văn Long nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Tín, quản lý Chương trình Bảo tồn các loài hoang dã thuộc WWF-Việt Nam cho biết: "Xây dựng một chiến dịch dựa vào động cơ của người tiêu dùng, hy vọng nhóm đối tượng mục tiêu nói riêng và công chúng nói chung hiểu được tiêu thụ ĐVHD không đáng để họ đánh cược sức khoẻ của chính bản thân và cộng đồng khi hành vi này có thể làm phát sinh và lan truyền các tác nhân gây bệnh từ động vật sang người".

Bà Jan Vertefeuille, Cố vấn cấp cao về vận động chính sách của WWF-Hoa Kỳ nhìn nhận: "Phương pháp tiếp cận người tiêu dùng để thay đổi hành vi của họ là rất cần thiết để ngăn chặn nguy cơ bùng phát đại dịch tiếp theo"./.