Trả lời phóng viên VTC News, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) nêu rõ, tinh thần công khai khuyết điểm, sai lầm và thực hiện kỷ luật nghiêm đối với cán bộ được đề cao ngay từ khi Đảng, Nhà nước ta còn non trẻ.

ss-1684469615.PNG

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc cho biết, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu cao tính công khai, minh bạch trước khuyết điểm của Đảng, của đội ngũ cán bộ và chính mình… nhằm tạo ra sự dân chủ trong Đảng.

"Ngay khi Đảng được thành lập, Bác Hồ rất chú ý đến việc giáo dục đạo đức cho cán bộ và văn hóa xin lỗi cũng được đặc biệt quan tâm. Bằng chứng là trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người nhiều lần đứng ra làm gương xin lỗi Nhân dân dù lúc đó đang đứng đầu đất nước, biểu tượng của cách mạng Việt Nam", ông Nguyễn Trọng Phúc nêu vấn đề.

Chính quyền ta mới thành lập, gặp phải muôn vàn khó khăn và phải nương nhờ vòng tay của bà con đồng bào các dân tộc khu vực Tây Bắc. Mùa luyện quân năm 1949 ở chân đèo Khế (huyện Đại Từ, Thái Nguyên), có lần một bà mế người Cao Lan bắt gặp một anh bộ đội vô ý để tuột nửa bao gạo xuống đường. Anh bộ đội không bốc lên mà cứ thế bỏ đi. 

Mế liền hốt hết số gạo lẫn đất sỏi vào chiếc khăn đội đầu và mang đến nhà Chủ tịch xã. Mế yêu cầu phải mang bọc gạo ấy đến tay Cụ Hồ. Mế nói: "Bộ đội mà không biết quý hạt gạo thì còn đói. Mình nói sao xuể. Phải để chỉ huy nó biết, mới nói được cho nhiều người nghe".

Chủ tịch xã đành vào khu Chính phủ, nhờ cảnh vệ chuyển đến tay Bác. Ít lâu sau, Bác tìm người dẫn mình đến nhà Chủ tịch xã. Khi tìm hiểu cặn kẽ, Bác cùng Chủ tịch xã tới thăm nhà bà mế. Sau khi hỏi chuyện sức khỏe, chuyện làm ăn, Bác trân trọng trả lại chiếc khăn và nói: "Cảm ơn mế đã cho tôi biết việc làm sai của bộ đội. Bộ đội, cán bộ có lỗi thì Đảng cũng có lỗi, tôi cũng có lỗi. Tôi đến đây là để xin lỗi và cảm ơn mế".

22-1684469664.PNG

Câu chuyện thứ 2 mà ông Nguyễn Trọng Phúc nhắc đến là việc thực hiện chủ trương cải cách ruộng đất ở miền Bắc giai đoạn 1953 - 1956. Nhìn nhận Đảng và Nhà nước mắc khuyết điểm, với vai trò là người đứng đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng ra chịu trách nhiệm trước dân, chịu trách nhiệm trước Đảng.

Ngày 25/8/1956, phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam khóa II bàn về cải cách ruộng đất và chấn chỉnh tổ chức, Chủ tịch Hồ Chí Minh tự phê bình một cách nghiêm túc: "Vì ta thiếu dân chủ nên nghe ít, thấy ít, nên bây giờ ta phải dân chủ. Tôi nhận trách nhiệm trong lúc sóng gió này. Tất cả Trung ương phải nghe, thấy, nghĩ và làm như thế. Bài học đau xót này sẽ thúc đẩy chúng ta".

Bác tiếp thu ý kiến phê bình Bộ Chính trị và đề nghị Hội nghị xét sai và sửa sai cấp tốc, không được cầu toàn; trên cơ sở thi hành kỷ luật nghiêm minh mà bảo vệ Đảng; phương châm tiến hành sửa sai là “lấy giáo dục làm chính, đoàn kết cán bộ, đoàn kết toàn Đảng và phải bảo vệ uy tín của lãnh đạo, của chế độ”.

Hình ảnh Bác Hồ lấy khăn lau nước mắt khiến hàng triệu người dân miền Bắc lúc đó xót xa, cảm động, sẵn lòng bao dung và càng thương Bác hơn, tin Đảng nhiều hơn. Bởi đó là lời xin lỗi chân thành, được thốt lên từ trái tim của một người suốt cả cuộc đời chỉ biết hy sinh, một lòng vì dân, vì nước.

"Không chỉ nhận lỗi, xin lỗi nhân dân mà còn nói đi đôi với làm, Bác công bố và chỉ đạo thực hiện tốt chính sách sửa sai. Điều đó củng cố được niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ mới", ông Nguyễn Trọng Phúc nói.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc kể tiếp ngày 14/3/1962, Bác viết bài đăng trên báo Nhân Dân "Làm thế nào cho lạc thêm vui", ký tên T.L. Trong bài có chi tiết "mỗi tấn lạc bán ra nước ngoài thì được 1,5 tấn gang", nhưng Bác viết nhầm là 15 tấn gang.

Ba ngày sau đó Bác viết một bài, cũng ký tên là T.L "Cần phải ra sức trồng nhiều hoa màu", kêu gọi mọi đơn vị, địa phương, mọi ngành cần phải ra sức trồng người cho hoa nở đẹp. Phía dưới bài này, Bác đề chữ "xin lỗi" (mà thông thường chúng ta hay viết là "sửa lại" hoặc "đính chính").

Nội dung Bác viết: "Trong báo Nhân Dân 14/3/1962, dưới đầu đề: "Làm thế nào cho lạc thêm vui" đúng là một tấn lạc đổi được 1,5 tấn gang, nhưng vì sai sót một dấu phẩy mà viết sai, thành 15 tấn. Đó là một thái độ không nghiêm túc, không cẩn thận. T.L xin thật thà tự phê bình và xin lỗi bạn đọc".

333-1684469694.PNG

"Việc công khai xin lỗi trước toàn dân thể hiện sự gương mẫu, thực hiện đúng tư tưởng lớn do chính Người đặt ra: sự nghiệp cách mạng là của quần chúng Nhân dân, Nhân dân là chủ, chính quyền có sai với dân thì phải xin lỗi, xin lỗi để sửa lỗi. Việc đó không có gì xấu hổ mà chính là một cử chỉ rất văn hóa, đó là văn hóa xin lỗi, sửa lỗi của cán bộ, đảng viên. Đó mới đúng là công bộc của Nhân dân", Nguyễn Trọng Phúc nhấn mạnh.

Và trong tác phẩm Đạo đức cách mạng (tháng 12/1958), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Chúng ta không sợ sai lầm, chỉ sợ phạm sai lầm mà không quyết tâm sửa chữa. Muốn sửa chữa cho tốt thì phải sẵn sàng nghe quần chúng phê bình và thật thà tự phê bình. Không chịu nghe phê bình và không tự phê bình thì nhất định lạc hậu, thoái bộ. Lạc hậu và thoái bộ thì sẽ bị quần chúng bỏ rơi. Đó là kết quả tất nhiên của chủ nghĩa cá nhân".

4-1684469733.PNG

Tiếp tục câu chuyện tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam khóa II bàn về cải cách ruộng đất và chấn chỉnh tổ chức (năm 1956), PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc cho biết, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Văn Lương nhận thấy mình có phần trách nhiệm về sai lầm trong công tác chỉnh đốn tổ chức Đảng, nên tự xin rút khỏi vị trí.

Trước đó, ông Lê Văn Lương đã tích cực đi xuống cơ sở nắm tình hình và xác minh những sai lầm để báo cáo và tham mưu với Trung ương đề ra những biện pháp sửa sai. Bản báo cáo do ông chuẩn bị trình Hội nghị thật sự thấm đẫm tinh thần dũng cảm, trung thực, nhìn thẳng vào sự thật, không né tránh những sai lầm, tổn thất.

Theo đó, Hội nghị Trung ương đã đồng ý những biện pháp sửa sai được đề ra trong báo cáo, như thả ngay những người bị bắt oan; minh oan ngay cho những người bị bắt oan, bị xử oan; khôi phục đảng tịch cho những đảng viên bị xử lý sai…

5-1684469768.PNG

"Hay Tổng Bí thư Trường Chinh, tuy không trực tiếp và là người chịu trách nhiệm duy nhất về những sai lầm của cấp dưới, nhưng là người lãnh đạo cao nhất của Đảng trong cải cách ruộng đất. Thế nên trong Hội nghị Trung ương ông Trường Chinh đã xin từ chức Tổng Bí thư. Sau đó, ông đứng đầu chỉ đạo công tác sửa sai cho đến năm 1958", ông Nguyễn Trọng Phúc cho hay.

Theo nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng những quyết định xin từ chức, rút lui của các cán bộ lãnh đạo cấp cao được Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao, bởi lẽ họ hiểu rõ rằng "Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài" cho nên đối với họ, "vô luận lúc nào, vô luận việc gì, đảng viên và cán bộ phải đặt lợi ích của Đảng ra trước, lợi ích của cá nhân lại sau". Đó là nguyên tắc cao nhất của Đảng.

Dẫn lời Hồ Chủ tịch: "Nước ta là một nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân... Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân", ông Nguyễn Trọng Phúc khẳng định bất kỳ một ai đó không còn hoặc không thể xứng đáng với chức vụ được giao thì phải trả lại quyền lực đó cho Đảng, cho Nhân dân và đây là điều hết sức bình thường.

6-1684469797.PNG

Dẫu vậy, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nhìn nhận, trong công tác cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có quan điểm vô cùng nhân văn.

Trong cuốn sách Sửa đổi lối làm việc, Người chỉ rõ: "Trên con đường phát triển cách mạng của mình, Đảng ta, quân đội ta cũng như mỗi đồng chí chúng ta luôn luôn có ưu điểm và không tránh khỏi có khuyết điểm. Chỉ có không ngừng đấu tranh, phê bình và tự phê bình, nhận rõ đúng, sai, phát huy cái đúng, khắc phục cái sai, mới có thể làm cho mình, cho Đảng, cho cách mạng tiến bộ mãi".

Bác Hồ cho rằng: "Người đời ai cũng có khuyết điểm. Có làm việc thì có sai lầm"; "có hoạt động thì khó mà hoàn toàn tránh khỏi sai lầm. Chúng ta không sợ sai lầm, chỉ sợ phạm sai lầm mà không quyết tâm sửa chữa"; "Đảng là người, Đảng là cán bộ, là đảng viên, tất nhiên là có sai lầm".

"Chủ tịch Hồ Chính Minh cực kỳ phê phán việc đối xử với người có khuyết điểm và sai lầm như đối với hổ mang, thuồng luồng. Đảng phải biết dạy bảo cán bộ và phải biết chăm sóc cán bộ như người làm vườn chăm sóc những cây quý. Tức là phát hiện được cán bộ giỏi và tốt là quý lắm, phải chăm chút chứ không chỉ chú ý xem xét sai phạm rồi thi hành kỷ luật. Phải làm sao cho cán bộ không sai phạm", GS.TS Nguyễn Trọng Phúc nói.

Ông Phúc nhắc lại lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV vào sáng 17/5: "Nếu đã vi phạm rồi, thấy tay nhúng chàm rồi tốt nhất là xin thôi. Thế là nhẹ nhàng, nhân văn nhất… Đã không xứng đáng thì thôi, từ chức đi. Đó là nhân đạo, nhân ái, nhân tình. Rút lui trong danh dự là tốt nhất".

Từ đó ông Phúc cho rằng, bên cạnh sự bài bản, quyết liệt, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta đang kế thừa và phát huy rất tốt sự nhân văn trong tư tưởng Hồ Chí Minh.

7-1684469828.PNG

Tại phiên bế mạc Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư nêu rõ trong bài phát biểu, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét cho thôi giữ chức vụ, cho nghỉ công tác, nghỉ hưu, bố trí công tác khác đối với 14 cán bộ diện Trung ương quản lý. Các địa phương cũng bố trí công tác và thực hiện chính sách đối với 22 trường hợp cán bộ sau khi bị kỷ luật theo đúng chủ trương của Đảng về việc “có vào, có ra; có lên, có xuống”.

"Chúng ta đều nhận thấy rằng kết quả đạt được trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng thể hiện tinh thần kiên quyết, gương mẫu, nghiêm minh, nhân văn, có tác dụng giáo dục, cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe trong đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên. Đồng thời nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của dư luận cán bộ, đảng viên, Nhân dân", PGS Nguyễn Trọng Phúc kết thúc chia sẻ.

Theo Anh Văn - vtc.vn