Chiến dịch "đả hổ, diệt ruồi" quyết liệt ở Trung Quốc

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình coi đấu tranh chống tham nhũng là một ưu tiên bởi ông nhận thức được rằng đó là một ưu tiên đòi hỏi của tất cả đảng viên chân chính, của toàn bộ nhân dân Trung Quốc.

Sau khi nắm quyền vào năm 2012, ông Tập Cận Bình tuyên bố tham nhũng không chỉ là một vấn đề nghiêm trọng, mà còn là một đe dọa đối với sự tồn vong của Trung Quốc.

Theo ông, tham nhũng kéo dài có thể dẫn đến sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và cũng như sự suy tàn của nhà nước Trung Quốc. Hàng trăm nghìn cán bộ đảng đã bị trừng phạt vì tội tham nhũng. Một chính sách đã khiến cho Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rất được lòng người dân.

Chính phủ Trung Quốc kiên trì chiến dịch "đả hổ, diệt ruồi" do Chủ tịch Tập Cận Bình phát động. Chiến dịch chống tham nhũng đã thu được thành quả nổi bật, nhận được sự đồng thuận rộng khắp và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế. Đúng như tạp chí Forbes Mỹ từng viết, những tiến triển và thành quả giành được trong lĩnh vực chống tham nhũng của Trung Quốc được mọi người ghi nhận.

chien-dich-da-ho-diet-ruoi-trung-quoc-thu-hoi-tai-san-tham-nhung-1657350228.jpg
Ông Đồng Đạo Trì bị tuyên án tử hình vì tội nhận hối lộ và giao dịch nội gián. Ông là một đối tượng trong chiến dịch chống tham nhũng "đả hổ, diệt ruồi" do Chủ tịch Tập Cận Bình phát động. Ảnh: Xinhua. 

Ông George Tzogopoulos, học giả Viện Nghiên cứu châu Âu Nice, Pháp, cho biết chống tham nhũng là một vấn đề nan giải mang tính toàn cầu, nhưng Trung Quốc đã thu được thắng lợi quan trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng chỉ trong vài năm ngắn ngủi, khiến thế giới thán phục.

Để cho những kẻ tham nhũng không chốn nương thân, Chính phủ Trung Quốc còn tăng cường truy bắt quan tham bỏ trốn ra nước ngoài. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn tăng cường hợp tác quốc tế về chống tham nhũng, để những kẻ tham nhũng không nơi ẩn náu.

Nghiên cứu viên cao cấp Viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga Lomanov cho biết, hành động chống tham nhũng xuyên quốc gia quy mô lớn của Trung Quốc đã thu hút sự quan tâm rộng khắp của cộng đồng quốc tế, cũng nêu tấm gương và cung cấp kinh nghiệm cho nhiều nước. Chống tham nhũng xuyên quốc gia có thể ngăn chặn quan tham trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật, giảm thiểu thiệt hại kinh tế, cải thiện môi trường, ngăn chặn tham nhũng từ ý nghĩa rộng hơn.

Việc Trung Quốc luôn tích cực thúc đẩy các bên tăng cường hợp tác thiết thực trong các mặt truy bắt quan tham trốn ra nước ngoài và thu hồi tang vật, trả lại tài sản, không cung cấp nơi lẩn trốn cho quan tham... sẽ thúc đẩy các nước cùng nhau xây dựng nguyên tắc về truy bắt quan tham trốn ra nước ngoài và thu hồi tang vật.

Cách thu hồi tài sản tham nhũng ở Trung Quốc

Tại Trung Quốc, Ủy ban Giám sát Quốc gia là cơ quan phụ trách các công việc liên quan tới thu hồi tài sản tham nhũng. Ba hình thức thu hồi tài sản tham nhũng ở Trung Quốc gồm: tự nguyện hoàn trả, thủ tục tịch thu đặc biệt và hợp tác tương trợ tư pháp quốc tế.

Về hình thức tự nguyện hoàn trả, Điều 383 Bộ Luật Hình sự Trung Quốc quy định "trước khi bị khởi tố, bất kỳ ai phạm tội tham nhũng nếu thành khẩn khai nhận và chủ động trả lại tài sản bất minh sẽ được giảm nhẹ hoặc miễn hình phạt tùy theo mức độ nghiêm trọng của vụ án".

Trong khi đó, Điều 31 Luật Giám sát nêu rõ trong trường hợp người bị điều tra vì nghi ngờ liên quan tới án tham nhũng tự thừa nhận tội lỗi và chấp nhận hình phạt, cơ quan giám sát có thể cân nhắc các hình thức khoan hồng.

Xiao Jianming, cựu chủ tịch tập đoàn khai mỏ Yunna Tin thuộc sở hữu nhà nước, nằm trong danh sách "100 đối tượng bị truy nã gắt gao nhất" Trung Quốc khi trốn sang Mỹ vào cuối năm 2012. Xiao từng tuyên bố sẽ lẩn trốn ở nước ngoài tới chết.

Trung Quốc sau đó áp dụng biện pháp "răn đe tư pháp" để thuyết phục Xiao về nước. Theo đó, công ty Yuntinic Resources thuộc tập đoàn Yunna Tin hồi tháng 4/2019 đã đệ đơn kiện ông Xiao lên tòa án bang California, Mỹ, cáo buộc ông này chuyển ngân quỹ của công ty cho con gái. Đơn kiện cho rằng con gái ông Xiao đã nhận hơn 202.000 USD tiền lương và phụ cấp trong giai đoạn 2002-2006, dù không làm việc cho công ty.

Khi tương lai con gái ở Mỹ bị đe dọa, Xiao buộc đồng ý trở về Trung Quốc và nộp mình cho cơ quan chức năng, đồng thời tự nguyện hoàn trả số tài sản bất hợp pháp trị giá khoảng 250 triệu nhân dân tệ (37 triệu USD). Vài ngày trước khi Xiao về nước, luật sư của công ty Yuntinic Resources nộp đơn bãi nại.

Tháng 3/2012, Trung Quốc sửa đổi luật tố tụng hình sự, bổ sung thêm các thủ tục tịch thu tài sản đặc biệt trong trường hợp nghi phạm hoặc bị cáo bỏ trốn hay qua đời. Trong trường hợp đó, viện kiểm soát có quyền đưa đơn ra tòa án để xử lý tài sản của người này.

chien-dich-da-ho-diet-ruoi-trung-quoc-thu-hoi-tai-san-tham-nhung-hinh-2-1657350270.jpg
Li Huabo, đối tượng truy nã bị Singgapore dẫn độ về Trung Quốc. 

Quan tham Li Huabo, cũng nằm trong danh sách "100 đối tượng truy nã gắt gao nhất", từng trốn sang Singapore và tìm cách chuyển số tiền tham nhũng tới quốc gia này. Tòa án Trung Quốc đã ra phán quyết tịch thu tài sản bất hợp pháp của Huabo ở trong nước và Singapore với tổng giá trị lên tới 29 triệu nhân dân tệ (4,3 triệu USD). Các lệnh tịch thu do tòa án Trung Quốc ban hành đã được Singapore chấp thuận và thực thi. Số tài sản bất chính đã được trao trả cho Trung Quốc sau đó. Singapore sau đó cũng trục xuất và dẫn độ Li Huabo về nước.

Một hình thức thu hồi tài sản tham nhũng khác là thông qua biện pháp tương trợ tư pháp với các nước. Tháng 10/2018, Luật hỗ trợ tư pháp hình sự quốc tế của Trung Quốc được ban hành, quy định cụ thể việc xử lý các yêu cầu tương trợ tư pháp (MLA), cũng như tịch thu và trả lại tài sản bất hợp pháp. Luật đã thúc đẩy hợp tác MLA giữa Trung Quốc và các quốc gia khác để thu hồi tài sản tham nhũng.

Quan tham Trung Quốc Yan Yongming từng ôm tiền bất chính bỏ trốn tới New Zealand. Sau đó, Trung Quốc đã phối hợp cùng New Zealand đệ đơn kiện đối với Yan Yongming và thu hồi số tài sản của người này.

Cuối cùng, Yan Yongming trở về Trung Quốc nộp mình. Tổng cộng 329 triệu nhân dân tệ (48 triệu USD) tiền tham nhũng của Yongming đã bị tịch thu và trao trả cho Bắc Kinh.

Theo Luật hình sự của Trung Quốc, cá nhân có thể bị kết án tù chung thân, bị tịch thu tài sản hoặc nộp tiền phạt nếu phạm tội đưa hối lộ. Trong khi đó, quan chức nhận hối lộ có thể bị phạt tù, tử hình, tịch thu tài sản tùy theo mức độ nghiêm trọng của vụ án./.