NSNA Từ Tiện trải qua cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Ông để lại nhiều tác phẩm giàu giá trị nghệ thuật, giá trị nhân văn về cuộc sống học tập, lao động, chiến đấu, xây dựng và bảo vệ đất nước của Nhân dân ta. NSNA Từ Thành, sinh ra và trưởng thành trong hòa bình, anh cũng đam mê nghệ thuật nhiếp ảnh từ những ngày thơ bé. Sau này, Từ Thành cũng có nhiều tác phẩm xuất sắc giành nhiều giải thưởng, tiếp tục kế nghiệp cha.
Chiếc mũ sắt dưới những làn bom đạn
NSNA Từ Tiện sinh năm 1942, ông sinh ra và lớn lên ở Lào. Bố của NSNA Từ Tiện là cụ Từ Hồng, một cán bộ cách mạng hoạt động ngoại tuyến những năm trước Cách mạng tháng Tám. NSNA Từ Thành ngậm ngùi kể lại câu chuyện năm xưa mà ông nội anh thường kể lại cho con cháu: khoảng năm 1940, cụ Từ Hồng sinh sống tại một ngôi làng người Việt ở Lào, đây là nơi có nhiều cơ sở cách mạng của ta nên thực dân Pháp để ý và có nhiều hành động trấn áp dã man.
Trong một lần càn quyét cộng sản, chúng đã bắn giết vô tội vạ những người dân nơi đây. Hôm ấy, anh chị của Từ Tiện vắng nhà, ông bà nội ôm Từ Tiện chạy trốn. Đêm đến, anh chị trở về tìm bố mẹ thì bị giặc bắn chết. Thời gian sau, cụ Từ Hồng lại chuyển gia đình sang Thái Lan sinh sống. Chính trong thời gian ở Thái Lan, Từ Tiện đã bắt đầu làm quen với nhiếp ảnh, ông đã học nghề và làm nghề với người Thái. Đến năm 1963, theo lời Bác Hồ kêu gọi kiều bào về xây dựng Tổ quốc, cụ Từ Hồng đã đưa gia đình về sinh sống và làm việc tại Hà Tĩnh.
Thời gian này, Từ Tiện đã hơn 20 tuổi, do được học nhiếp ảnh từ trước nên Từ Tiện được nhận về công tác tại Ty Văn hóa Hà Tĩnh. Trong những năm chống Mỹ, bạn bè, đồng nghiệp vẫn thường thấy hình ảnh Từ Tiện với chiếc mũ sắt của bộ đội phòng không, chiếc máy ảnh EXA.Ia và Zennit cũ kĩ xông pha trên khắp các mặt trận, trận địa. Ông từng có mặt tại các tuyến lửa quê hương từ Truông Bồn, Bến Thủy (Nghệ An) đến ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), đường Trường Sơn huyền thoại… để ghi lại những khoảnh khắc ác liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của Nhân dân ta.
Với những bức ảnh đen trắng, NSNA Từ Tiện đã khắc họa sâu sắc chủ nghĩa anh hùng cách mạng; nêu cao ý chí, quyết tâm của quân dân Nghệ An, Hà Tĩnh nói riêng, quân dân cả nước nói chung. Nhiều khoảnh khắc mà NSNA Từ Tiện ghi lại đã đi vào lịch sử, thuộc về lịch sử.
Năm 1971, giữa lúc cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ đang ở giai đoạn vô cùng ác liệt, NSNA Từ Tiện lại khoác ba lô, đội mũ sắt, cùngchiếc xe đạp cà tàng bôn ba trên các chiến trường trọng điểm. Ông đã bấm hàng ngàn kiểu ảnh để có được hàng trăm bức ảnh quý về cuộc sống, chiến đấu của quân, dân ta như: Để mẹ đi đánh Mỹ; Tiểu đội nữ Kỳ Phương – Đơn vị Anh hùng; Đơn vị 10 cô gái Đồng Lộc; Anh hùng La Thị Tám trên đài quan sát đếm từng loạt bom rơi…
Đặc biệt, tác phẩm “Tấm lòng người Việt Nam” chụp ngày 19/5/1972, là bức ảnh vừa có ý nghĩa thời sự – chính trị, vừa có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đó là thời điểm dân quân xã Thạch Trung, Thạch Hà, Hà Tĩnh phối hợp với đơn vị bộ đội pháo cao xạ 233 anh dũng chống trả những đợt ném bom của máy bay Mỹ. Họ đã bắn rơi một chiếc F37, loại máy bay có biệt hiệu “thần sấm, con ma” của không quân Mỹ. Viên phi công lái máy bay là Thiếu tá Obrinicol đã nhảy dù thoát chết nhưng y bị thương ở trán và má.
Cô Trần Thị Sâm, bấy giờ là y tá dân quân, đã rửa và băng bó vết thương cho Obrinicol. Từ Tiện đã chớp lấy khoảnh khắc đẹp này trong nút bấm máy: một cô gái người Việt nhỏ bé, nét mặt cương nghị, đang băng bó vết thương cho kẻ thù mới vừa dội bom xuống quê hương mình. Tên giặc lái to cao, mặt cúi gằm như đang hối lỗi. Bức ảnh nhanh chóng được lan tỏa khắp trong và ngoài nước giúp cho Nhân dân thế giới hiểu hơn về cuộc chiến đấu chính nghĩa của Nhân dân Việt Nam, hiểu hơn những tấm lòng cao đẹp của người Việt. Trong chiến tranh, Nhân dân ta vẫn nhân đạo với kẻ thù.
Sau này, tác phẩm “Tấm lòng người Việt Nam” được Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tặng thưởng Huy chương Vàng đồng hạng tại triển lãm “Một chặng đường nhiếp ảnh” chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ ký Sắc lệnh số 147 thành lập ngành Nhiếp ảnh, Điện ảnh Việt Nam (15/3/1953 -15/3/2023).
Nhà báo, NSNA Từ Tiện cứ xông pha, cần mẫn và đam mê như vậy suốt mấy chục năm trời. Ông chụp ảnh rồi gửi về Báo Nhân dân, Quân đội Nhân dân và các cơ quan thông tấn của ta để kịp thời phản ánh cuộc sống lao động, chiến đấu của quân dân ta trong những năm bom đạn, khỏi lửa ác liệt nhất, cũng như tố cáo tội ác của kẻ thù.
Chiến tranh kết thúc, sau năm 1976, NSNA Từ Tiện chuyển sang công tác tại phòng truyền thông của Ty Y tế Nghệ Tĩnh. Ông lại miệt mài đi khắp đó đây để chụp những bức ảnh thời sự – nghệ thuật, y tế, phản ánh kịp thời cuộc sống lao động của quân và dân ta trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội…
Sau này, NSNA Từ Tiện đã tập hợp các tác phẩm nhiếp ảnh của mình xuất bản 2 tập sách ảnh “Một thời đạn bom, một thời hòa bình” (năm 1999) và “Một thời để nhớ” (năm 2000). 2 tập sách ảnh của ông đã mô tả lại những khoảnh khắc chân thực, sinh động của quân và dân ta trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước và công cuộc tái thiết, xây dựng, phát triển đất nước sau khi hòa bình lập lại. Dưới bom đạn kẻ thù, phụ nữ, trẻ em cùng những người lính vẫn kiên cường sống và chiến đấu. Những khoảnh khắc ấy không chỉ là lòng dũng cảm, ý chí, nghị lực mà còn là những giá trị nhân văn cao đẹp.
Với những cống hiến của mình, NSNA Từ Tiện được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba; UBND tỉnh Nghệ An và Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tặng thưởng nhiều bằng khen; năm 2003 NSNA Từ Tiện được phong tặng Tước hiệu Nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắc (E.VAPA); năm 2008, ông vinh dự được Thủ Tướng Chính phủ tặng Bằng khen;…
Nhà báo, NSNA Từ Thành chia sẻ: “Hầu như suốt cuộc đời, ba tôi chụp ảnh phim. Ba phải tiết kiệm từng kiểu ảnh, mỗi cuốn phim 36 kiểu ba phải nối đầu phim để bấm được 38 kiểu. Ba chắt chiu từng lần bấm máy, phải căn chỉnh tốc độ, ánh sáng, chọn bố cục cẩn thận rồi mới bấm. Bởi vậy gần như kiểu ảnh nào ông chụp cũng sử dụng được”.
Thời ấy, kinh tế gia đình NSNA Từ Tiện rất khó khăn. Không như một số nghệ sĩ khác lấy nghề nhiếp ảnh nuôi đam mê, NSNA Từ Tiện lấy đồng lương viên chức ít ỏi nuôi đam mê nên ông phải hết sức tiết kiệm phim để gắn bó lâu dài với nhiếp ảnh. Từ Thành trưởng thành cũng theo bước chân ba, thấy hai ba con chúi đầu vào máy ảnh, tráng phim, rửa phim, vừa tốn kém vừa phải đi xa, lại vất vả, mệt nhọc.. mẹ Từ Thành đã nhiều lần ngăn cản hai ba con. Nhưng rồi, dần dần hai ba con đã thuyết phục được bà qua những tác phẩm ảnh xuất sắc đoạt giải. Hơn nữa bà hiểu, đó là đam mê, mà là đam mê chính đáng, đam mê cao quý, nên bà không ngăn cản nữa.
Người học trò nhỏ của ba
NSNA Từ Thành là người con duy nhất trong 3 người con trai của NSNA Từ Tiện theo nghiệp ba. Từ Thành sinh năm 1980, anh đã được ba cho làm quen với máy ảnh từ khi 7 – 8 tuổi. Từ Thành cũng được ba cho đi theo chụp ảnh từ đầu những năm những năm 1990. Hai ba con NSNA Từ Tiện, Từ Thành với chiếc ba lô, túi xách, lỉnh kỉnh đồ nghề trên chiếc xe máy Simson rong ruổi khắp các nẻo đường xứ Nghệ. Nơi nào có thiên nhiên, thắng cảnh đẹp, nơi nào có cuộc sống lao động, chiến đấu, bảo vệ quê hương… ở đó có bước chân hai cha con Từ Tiện – Từ Thành.
Năm 1994, khi mới 14 tuổi, trong một lần đi chụp ảnh cùng ba, Từ Thành đã có bức ảnh “Trong rừng Pù Mát” đoạt giải Nhì tại Liên hoan ảnh Nghệ thuật các tỉnh Khu IV cũ, lần thứ 3, tháng 8/1994. Cùng với sự định hướng, dìu dắt của ba trong nghề nghiệp, đây cũng chính là động lực để Từ Thành tiếp tục đam mê và theo đuổi, cháy hết mình với nhiếp ảnh cho đến bây giờ. Năm 2005, Từ Thành được kết nạp vào Hội VHNT Nghệ An; năm 2006, kết nạp vào Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam; năm 2010 cho đến nay, NSNA Từ Thành đảm đương vai trò Chi hội phó Chi hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tỉnh Nghệ An.
Năm 2003, Từ Thành theo học ngành phát thanh truyền hình tại Trường Cao đẳng Phát thanh Truyền hình 1, sau đó anh theo học báo chí tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền từ năm 2006 đến 2010. Từ Thành công tác tại Trung tâm Truyền thông – Giáo dục sức khỏe thuộc Sở Y tế Nghệ An. Từ Thành cho biết, anh đã cùng ba đi rất nhiều nơi ở hai tỉnh Nghệ – Tĩnh, từ miền biển đến những miền núi xa xôi như Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Quế Phong (Nghệ An), Hương Sơn, Kỳ Anh (Hà Tĩnh)… Đề tài mà NSNA Từ Thành yêu thích và đeo đuổi là y tế, quân đội, phong cảnh du lịch, đất nước con người…
Anh nhớ mãi hôm hai ba con cùng đi Con Cuông để làm bộ phim tài liệu “Nửa thế kỷ phòng chống sốt rét”. Hai ba con cùng một vài bác sĩ phải đi thuyền trên đập Phả Lại để tác nghiệp. Đột nhiên, xuồng chết máy rồi trôi tự do về phía chân đập. Chiều cao từ mặt đập xuống chân đập khoảng 25 đến 30 mét. Trước tình thế nguy ngập, mọi người hò hét nhờ sự giúp đỡ của người dân.
May thay, khi xuồng chỉ còn cách chân đập khoảng dăm, bảy mét thì được người dân giúp kéo vào bờ. Sau chuyến đi ấy, Từ Thành có tác phẩm “Chống dịch vùng cao” trưng bày triển lãm ảnh Nghệ thuật toàn quốc lần thứ 24 – năm 2006. Một lần khác, hai ba con đi Kỳ Sơn, xe máy bị hỏng dọc đường, đường đồi núi không một bóng người. Hai ba con phải mang vác máy móc, thiết bị, đẩy xe, trèo đèo lội suối hàng chục km đường rừng giữa lúc bụng đói, miệng khát khiến ai nấy mệt lả. Nhưng rồi ba động viên con, con động viên ba mà bước lên phía trước. Sau chuyến đi ấy Từ Thành có tác phẩm “Nước sạch về bản”…
Cuối năm 2019, NSNA Từ Thành chuyển sang công tác ở Báo Sức khỏe và Đời sống – Bộ Y tế; là nhà báo của ngành y tế, anh có điều kiện tiếp xúc, tìm hiểu công việc của những người thầy thuốc không chỉ trong tỉnh Nghệ An mà của cả 6 tỉnh Bắc Trung Bộ (từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế). Anh đã có nhiều tác phẩm ghi lại những khoảnh khắc đẹp trong ngành y. Đó có thể là những ca mổ công nghệ cao, những khoảnh khắc nhân văn, những khó khăn gian khổ của các y, bác sĩ trong chống dịch; đặc biệt là những năm chống dịch COVID -19.
Nhà báo, NSNA Từ Thành chia sẻ, những năm 2020 – 2021, khi dịch bệnh COVID – 19 ở thời kỳ bùng phát mạnh đã tạo cho anh những áp lực nhất định. Lúc ấy, tình hình dịch ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số đô thị diễn biến rất phức tạp với nhiều người tử vong. Ở Nghệ An, tình hình cũng rất căng thẳng, việc cách ly được triển khai nghiêm ngặt. Từ Thành đã cùng các phóng viên ảnh lên đường làm nhiệm vụ nhưng trong lòng biết bao lo lắng.
Mọi quy trình vệ sinh, phòng hộ được thực hiện khắt khe nhưng càng khắt khe bao nhiêu thì tác nghiệp càng khó khăn bấy nhiêu. Về đến nhà còn phải cách ly, nỗi lo lây nhiễm cho người nhà khiến lòng Thành bất an. Thế nhưng Thành nghĩ, những khó khăn của mình chẳng thấm vào đâu so với các y bác sĩ và lực lượng quân đội, công an và các lực lượng khác đang ngày đêm nơi tuyến đầu chống dịch, chiến đấu với “kẻ thù” vô hình.
Bù lại, Nhà báo, NSNA Từ Thành có nhiều tác phẩm được đăng tải và giành các giải thưởng tại các cuộc thi như phóng sự ảnh “Cận cảnh y bác sĩ trên chiến tuyến “Chống giặc COVID-19” đoạt giải Ba cuộc thi “Báo chí phòng, chống dịch COVID-19” năm 2020; bộ ảnh “Vững vàng chiến lũy vùng biên” – ghi lại cuộc chiến “chống dịch như chống giặc” của Bộ đội Biên phòng Nghệ An trên toàn tuyến biên giới, bộ ảnh đã đoạt giải Nhì trong Cuộc thi ảnh “Nghệ An làm theo lời Bác” năm 2020 hay bộ ảnh “Bầu cử tại khu cách ly ở Nghệ An – An toàn và trách nhiệm” đoạt giải 3 Giải Báo chí Búa liềm vàng – Nghệ An 2021… những tác phẩm của anh đã tôn vinh, động viên, phản ánh kịp thời những hy sinh, gian khổ trong công tác chống dịch, để từ đó góp phần cùng các lực lượng tuyến đầu chiến đấu và chiến thắng “giặc” COVID-19… Với những đóng góp trong công tác phòng chống dịch, Từ Thành được Công đoàn Y tế Việt Nam, UBND tỉnh Nghệ An tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
NSNA Từ Thành xúc động nhớ lại, năm 2005, hai ba con cùng NSNA Bùi Xuân Lương đã mở cuộc triển lãm chung, trưng bày mỗi người khoảng 40 đến 50 bức ảnh. Đây là lần đầu tiên hai ba con tổ chức chung một buổi triển lãm. Và năm 2016, nhân kỷ niệm 70 năm thành lập ngành y tế Nghệ An, NSNA Từ Tiện và Từ Thành phối hợp với ngành y tế tuyển chọn 70 tác phẩm tổ chức cuộc triển lãm ảnh Y tế Nghệ An 70 năm vì sức khỏe nhân dân, triển lãm này được Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam bảo trợ. Đây cũng là lần cuối cùng anh được tổ chức triển lãm ảnh cùng ba. Từ một “học trò” nhỏ bé của NSNA Từ Tiện, Từ Thành đã vinh dự được triển lãm chung với ba 2 lần, như vậy còn hạnh phúc nào bằng. Từ Thành ngậm ngùi chia sẻ.
Nhà báo, NSNA Từ Thành đã có nhiều tác phẩm đoạt giải trong các cuộc thi của Trung ương và địa phương như: “Trong rừng Pù Mát” (đoạt giải Nhì tại Liên hoan ảnh Nghệ thuật các tỉnh Khu IV cũ, lần thứ 3 – tháng 8/1994 ); tác phẩm “Tuần tra bảo vệ Đảo Ngư anh hùng” (Triển lãm ảnh Nghệ thuật toàn quốc lần thứ 23 năm 2004; giải đồng hạng, cuộc vận động sáng tác về đề tài Quốc phòng toàn dân giai đoạn 2001 – 2004 do Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam và Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức); Tác phẩm “Chống dịch vùng cao” (trưng bày triển lãm ảnh Nghệ thuật toàn quốc lần thứ 24 – năm 2006); Tác phẩm Phẫu thuật tim, đoạt giải Nhất trong cuộc thi vận động sáng tác và triển lãm ảnh Nghệ thuật tỉnh Nghệ An 2012.
Rồi các tác phẩm: “Phẫu thuật Nội soi” đoạt Huy chương Bạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực Bắc Trung Bộ lần thứ XIX – 2012; hay Chùm ảnh “Ngày thứ 7 vì dân” đoạt giải Khuyến khích Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức; Anh cũng đoạt nhiều giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương: Giải C (2002-2005); Giải C (2005-2010); Giải B (2010-2015); Giải C (2015-2020)…
Nhà báo, NSNA Từ Thành tâm sự: sinh thời ba Thành mong muốn có một người con theo nghiệp để giữ gìn và phát huy những di sản mà ba để lại. Chính vì động lực tinh thần ấy mà Thành đã quyết tâm theo nghiệp, dù biết rằng nghiệp nhiếp ảnh không thể làm giàu, lại bao khó khăn, vất vả. Nhưng bù lại nhiếp ảnh cho Thành niềm vui, được khám phá cuộc sống muôn màu của quê hương, đất nước, được gặp gỡ bao con người là niềm hạnh phúc lớn của Thành. Thành luôn tin rằng, mỗi miền đất mình đi qua, mỗi nơi mình đến, đó có thể là những bản làng, thôn xóm, có thể là nơi rừng sâu núi thẳm hay những con suối, con đèo… đều có dấu chân ba đi qua. Chỉ chừng ấy thôi cũng đủ để giúp Thành bước tiếp.