Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền tỉnh Nghệ An luôn hỗ trợ, đồng hành với người nghèo, cận nghèo theo phương châm “Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”. Theo đó, nhiều chính sách đã được ban hành, triển khai hiệu quả, tạo động lực để người dân vươn lên thoát nghèo.

Nhiều mô hình phát huy hiệu quả

Trước đây, gia đình chị Ngân Thị Quế thuộc diện hộ nghèo ở xã Bồng Khê (huyện Con Cuông). Nhờ được hỗ trợ của địa phương, chị mạnh dạn vay vốn và đầu tư trồng 400 trăm gốc thanh long cho năng suất và mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm… Nhờ đó, cuộc sống gia đình bớt khó khăn, có nguồn thu nhập và con cái được học hành đầy đủ.

Cũng như chị Quế, gia đình ông Đoàn Duy Từ ở xã Quỳnh Tam (huyện Quỳnh Lưu), nhờ cải tạo 7ha đất vườn đồi xây dựng mô hình trang trại, đầu tư nuôi hơn 7.000 con ngan, gà, vịt, hàng trăm con lợn rừng và trồng thêm cây ăn quả… nên thu nhập bình quân đạt 200 triệu đồng/năm, đạt danh hiệu nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện.

Hay như gia đình ông Mộng Văn Hoàn ở bản Xiêng Hương, xã Xá Lượng (huyện Tương Dương) - một trong những hộ nghèo nhất bản, sau khi nhường đất để thực hiện dự án Thủy điện Nậm Nơn, gia đình ông Hoàn được hỗ trợ tái định cư đến nơi ở mới, được Nhà nước cấp bò sinh sản, phát triển chăn nuôi… “Nhờ đó, cuộc sống của gia đình tạm ổn nên tôi viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo để nhường chính sách cho người khác...”, ông Hoàn bộc bạch.

Không riêng huyện Con Cuông, Tương Dương, Quỳnh Lưu mà ở tất cả các địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững đều được thực hiện tốt và phát huy hiệu quả, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản... Nhiều mô hình giảm nghèo bền vững đã được triển khai như: Trồng rau sạch tại xã Quế Sơn, cây dược liệu tại xã Nậm Nhoóng (huyện Quế Phong); trồng gừng, khoai sọ, chăn nuôi bò, lợn đen, gà ác (huyện Kỳ Sơn); chăn nuôi lợn đen, lợn rừng, trồng cà chua quả to (huyện Tương Dương); các mô hình chăn nuôi trang trại lợn (huyện Đô Lương, Nam Đàn, Nghi Lộc)…

Theo đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An: từ tỷ lệ hộ nghèo 12,1% (95.205 hộ), hộ cận nghèo 10,23% (80.464 hộ) năm 2016, đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,42% (34.161 hộ) và 5,41% (53.990 hộ). Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh cũng cho thấy: số hộ nghèo của tỉnh còn 55.348 hộ, chiếm tỷ lệ 6,41%; số hộ cận nghèo còn 53.571 hộ, chiếm tỷ lệ 6,20%... Những con số này là kết quả của sự chung sức đồng lòng, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, MTTQ, các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh. Đơn cử giai đoạn 2014-2019, Ủy ban MTTQ tỉnh đã kêu gọi vận động ủng hộ quỹ “Vì người nghèo” hơn 212 tỷ đồng. Từ nguồn lực này đã giúp 11.000 hộ nghèo phát triển kinh tế và thụ hưởng những phúc lợi khác.

qq-1681259369.jpg
Mô hình chăn nuôi vỗ béo trâu, bò phát triển kinh tế ở miền Tây Nghệ An. Ảnh: Lê Thìn

Tiếp cận tốt các chính sách, nguồn lực hỗ trợ

Trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội ban hành Chủ trương đầu tư các Chương trình MTQG, Quyết định của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo điều hành, giao nhiệm vụ thực hiện Chương trình; bảo đảm đồng bộ, kịp thời, thiết thực, khơi dậy ý chí vươn lên của người nghèo; huy động sự tham gia của cả cộng đồng giúp đỡ các hộ thoát nghèo bền vững. Trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành cấp tỉnh đã ban hành các văn bản hướng dẫn và chỉ đạo địa phương, đơn vị tổ chức thực hiện chương trình...

Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành cấp tỉnh và các địa phương thực hiện bằng nhiều hình thức thông tin, tuyên truyền về Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Phát hành các tài liệu về công tác giảm nghèo cho cán bộ cấp huyện, cấp xã để có căn cứ triển khai thực hiện chương trình.

Các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền hình đã tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức, truyền tải thông tin về các chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững của Nhà nước, triển khai Phong trào “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” đến mọi người dân... góp phần nâng cao hơn vai trò, trách nhiệm của các cấp, ngành, nhất là ở cơ sở và nâng cao nhận thức của người dân về Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.

Đánh giá về những kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long cho rằng: nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân được nâng lên và có chuyển biến rõ rệt; mục tiêu giảm nghèo trở thành nhiệm vụ, chỉ tiêu quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. UBND các cấp, các sở, ban, ngành liên quan triển khai thực hiện quyết liệt; tập trung xây dựng, trình cấp có thẩm quyền hoặc theo thẩm quyền ban hành văn bản quản lý điều hành làm cơ sở triển khai, tổ chức thực hiện Chương trình bảo đảm quy định... Các hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận tốt hơn các chính sách, nguồn lực hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng để cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần củng cố lòng tin đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Theo Diệp Anh - daibieunhandan.vn